Diễn đàn cũng giúp kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp và đồng thời xác định “bài toán” đặt hàng của chính quyền Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư, trưởng làng công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp giải quyết các nhu cầu đặt ra của lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái cố đô khởi nghiệp với hệ sinh thái KNĐMST quốc gia, thu hút nguồn lực các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, nguồn lực quốc tế, đưa hệ sinh thái KNĐMST trở thành một phần động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe một số tham luận đánh giá về tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế như: Hợp tác, kết nối các Làng Công nghệ Quốc gia trong liên kết phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế; Khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch bản địa trong thúc đẩy KNĐMST tại Thừa Thiên Huế; Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” gắn với phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong phát triển du lịch Huế; Chuyển đổi số trong du lịch từ góc nhìn trải nghiệm của khách hàng - cơ hội của các doanh nghiệp và startup; Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sinh thái - du lịch trải nghiệm nông nghiệp - du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng, làng nghề thủ công truyền thống… Các đại biểu cũng đã thảo luận, đánh giá những tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhằm tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển ngành Du lịch địa phương.
Theo Giám đốc Sở KHCN Thừa Thiên Huế Hồ Thắng, để thúc đẩy hoạt động KNĐMST trong lĩnh vực du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần kiến tạo môi trường chính sách, đặt hàng những nội dung trọng điểm từ chương trình kinh tế trọng điểm. Qua đó, kêu gọi đầu tư, kêu gọi sự chuyển giao KHCN từ các yếu tố bên ngoài, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề trọng điểm trong từng lĩnh vực. Ông Hồ Thắng nhấn mạnh: “Ngành KHCN sẽ cùng với ngành Du lịch tập trung hỗ trợ, thúc đẩy, kiến tạo các ý tưởng, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp về du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu, y tế... Qua đó, kết nối, phát triển các chuỗi liên kết để phát triển và cùng khai thác, sử dụng những sản phẩm mới”. Bên cạnh đó, ông Hồ Thắng cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động KNĐMST trong lĩnh vực du lịch như: Xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực du lịch; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư chiến lược tham gia cung cấp các giải pháp, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo, sáng chế thông qua các dự án KHCN; hợp tác, kết nối nguồn lực, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch Huế…
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh hỗ trợ hình thành, phát triển nhiều sản phẩm, tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng; xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay. “Việc ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến là một giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của ngành Du lịch phù hợp với xu hướng mới. Du lịch cũng được đặt nền móng, tập trung phát triển du lịch thông minh với nhiều dự án đã và đang triển khai hiệu quả: mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, xe đạp thông minh, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh… Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đã giúp ngành Du lịch vượt qua được khó khăn, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả” – ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Chủ tịch FiNNO Group Trương Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST Quốc gia cho rằng, Thừa Thiên Huế cần khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch bản địa, thúc đẩy KNĐMST với những mô hình kinh doanh sáng tạo; không bán cái hữu hình mà bán giá trị văn hóa trong nó để nâng tầm sản phẩm. Ông Trương Thanh Hùng cũng đề xuất Thừa Thiên Huế xây dựng các tour trải nghiệm “Một ngày làm cô gái Huế”; chạy bộ xuyên lăng tẩm; trải nghiệm thực tế ảo cung đình, cuộc sống hoàng gia; tìm về và sống chậm giữa lòng Cố đô; thư viện số về lịch sử cung đình... Theo ông Trương Thanh Hùng, một khi tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái KNĐMST ngành Du lịch với các mô hình kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, sẽ tăng được năng lực cạnh tranh của tỉnh. “Đây là đòn bẩy hiệu quả để cấu trúc lại ngành Du lịch Thừa Thiên Huế, thúc đẩy các liên kết hợp tác ngành, liên kết đa ngành, đa nguồn lực để Du lịch Thừa Thiên Huế bứt phá” - ông Trương Thanh Hùng nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho rằng, Thừa Thiên Huế cần thúc đẩy, thu hút sự tham gia của đa dạng các thành phần vào đổi mới sáng tạo mở. Trong đó, chính quyền địa phương và tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò là những người ra đề bài cho doanh nghiệp khởi nghiệp. “Khi chính quyền địa phương và doanh nghiệp khởi nghiệp gắn kết, thì mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai ý tưởng. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng được hưởng lợi khi có thêm nguồn lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển ngành Du lịch” – ông Trần Văn Tùng chia sẻ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức cũng đã tổng kết và trao giải cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Cuộc thi có nhiều dự án lĩnh vực du lịch, dịch vụ được đánh giá cao, nhận được giải thưởng; được lan tỏa và phát triển tốt, đón nhận được sự ủng hộ của cộng đồng và du khách. Nổi bật như: “Hương vị Tam Giang”; “Thịt heo - thịt bò gác bếp A Lưới”; “Gốm sứ mạ bạc H.SPC”; “Yến cung đình Huế - Mang hảo vị hoàng gia đến với mọi nhà’…
Thanh Minh