(Tạp chí Du lịch) - Ngày 01/11, tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Sở Du lịch Kiên Giang tổ chức chương trình tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn du lịch ASEAN 2023, nhằm trang bị kiến thức về thực hiện tiêu chuẩn du lịch ASEAN cho cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương, chuyên viên phụ trách du lịch, quản lý cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn Kiên Giang; cùng giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận.
Chương trình tập huấn diễn ra đến hết ngày 3/11. Trong khuôn khổ chương trình, các báo cáo viên sẽ giới thiệu 4 bộ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN: Thành phố du lịch sạch ASEAN; Điểm du lịch MICE ASEAN; Khách sạn xanh ASEAN; Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hoàng Quốc Hoà cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN đã xác định xây dựng các bộ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch khu vực. Đây là một giải pháp cần thiết trong lộ trình thúc đẩy đưa ASEAN trở thành một điểm đến chung chất lượng. Các bộ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN do Ban Thư ký ASEAN công bố trên cơ sở thống nhất của các quốc gia thành viên, nhằm chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch khu vực. Việc thực hiện và mở rộng tiêu chuẩn du lịch ASEAN là một trong bảy chương trình hành động nhằm thực hiện định hướng chiến lược “Tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN như một điểm đến du lịch duy nhất”, được xác định trong Chiến lược Du lịch ASEAN 2016 - 2025. Và đây cũng là một hoạt động hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho phát triển du lịch bền vững khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Đây là năm thứ hai chương trình tập huấn, hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn du lịch ASEAN được tổ chức, phổ biến trên phạm vi toàn quốc. “Việc Phú Quốc được lựa chọn là địa điểm tập huấn bởi đây là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam. Tại Giải thưởng du lịch thế giới năm nay, Phú Quốc đã vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch biển đảo sang trọng hàng đầu châu Á 2023” cho thấy sự yêu mến và tin tưởng của du khách và đối tác quốc tế vào chất lượng cùng đẳng cấp của du lịch Phú Quốc. Đồng thời cũng là minh chứng cho thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch” - ông Hoàng Quốc Hoà nhấn mạnh.
Được biết, Ban Thư ký ASEAN đã công bố 8 bộ Tiêu chuẩn du lịch ASEAN. Bao gồm: Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN; Thành phố du lịch sạch ASEAN; Du lịch cộng đồng ASEAN; Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN; Khách sạn xanh ASEAN; Điểm du lịch MICE ASEAN; Dịch vụ Spa ASEAN; Nhà vệ sinh công cộng ASEAN. Những tài liệu trên hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, cách thức, quy trình đánh giá làm căn cứ để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các tổ chức đánh giá, chứng nhận áp dụng triển khai. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh du lịch khi triển khai áp dụng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực và quốc tế. Qua đó, khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đồng thời, các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ có cơ hội đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN - giải thưởng uy tín hàng đầu trong khu vực nhằm tôn vinh các đơn vị xuất sắc trong ngành du lịch, được trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN tổ chức hàng năm.
Theo bà Huỳnh Trang Kim Hoàng - Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch - Sở Du lịch Kiên Giang, chương trình tập huấn đã nâng cao nhận thức cũng như hành động của các đơn vị về chuẩn hóa chất lượng dịch vụ phục vụ khách - một mục tiêu quan trọng của du lịch Phú Quốc. Đây cũng là cơ hội để rà soát, đánh giá và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN, tạo cơ hội cho các bên tham gia nhằm phát triển du lịch bền vững, góp phần quảng bá chất lượng dịch vụ và kích cầu du lịch Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung.
Thanh Minh