Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm.
Về phía Lãnh đạo Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, năm 2022 Ngành VHTTDL đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, ngành Văn hóa được BCH Trung ương Đảng đánh giá một cách sâu sắc, cả về kết quả và các tồn tại, vướng mắc như thời điểm này.
Theo Báo cáo tổng kết công tác của Bộ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều yếu tố rủi ro, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo (xung đột Nga - Ucraina, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn, thị trường khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch, các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa còn hạn chế…) đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của ngành.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VHTTDL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022 là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.
Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm)…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực vượt bậc của ngành VHTTDL với nhiều kết quả toàn diện. Phó Thủ tướng bày tỏ sự ấn tượng về 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2022, nhiều hoạt động được triển khai cụ thể, như triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc - một hội nghị sau 75 năm mới được tổ chức lại. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tâm huyết của Bộ, với sự chuẩn bị cho hội nghị một cách kỹ càng. Nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “văn hóa còn, dân tộc còn - văn hóa mất, dân tộc mất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững. “Nhiều nước đang phát triển đều mắc phải căn bệnh chung, đó là muốn vươn lên tập trung tăng trưởng phát triển kinh tế, không để ý đến môi trường, sau đó mới giật mình khi môi trường bị tàn phá mất hàng chục năm mới khắc phục được hậu quả. Nếu không chú ý văn hóa xã hội thì phải mất hàng thế hệ. Trong vấn đề phát triển của chúng ta, tất cả các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đều rất chú trọng vấn đề này. Đó là lưu ý phát triển hài hòa văn hóa xã hội kinh tế trong từng giai đoạn. Gần đây Việt Nam rất tiên phong trong phát triển bền vững, xếp thứ 5 về phát triển bền vững, trong đó có môi trường, các tiêu chí văn hóa, xã hội. Đó là điều rất đáng mừng, tuy nhiên trong thực tế triển khai thực hiện, khoảng cách so với mong muốn còn cách rất xa bởi vì xã hội nói chung, đặc biệt là văn hóa có nhiều đặc trưng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng mong muốn có sự chuyển biến hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, với đặc thù là ngành không làm ra tiền trong ngắn hạn, do đó đây là “thế yếu”; nhưng văn hóa như phù sa bồi đắp, cái tốt cũng phải mất nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm mới bộc lộ ra và khi đó phải mất nhiều năm, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Sau hội nghị văn hóa, nhiều vấn đề đã có sự chuyển biến rất rõ, tuy nhiên vẫn cần phải rất chi tiết hơn nữa, tỷ mỷ hơn nữa, không thể nói chung chung.
“Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, cách làm phải mạnh mẽ, sáng tạo, có những việc không đổi mới cách làm thì không bao giờ đạt được, chuyển đổi số cần quyết liệt hơn, chẳng hạn số hóa toàn bộ di sản quốc gia, bảo vật quốc gia, những cái nhân dân rất muốn được chiêm ngưỡng một lần, nhưng bảo tàng chưa đủ điều kiện an toàn để trưng bày, bảo vật phải để dưới hầm, nếu số hóa được thì người dân mới có cơ hội chiêm ngưỡng…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng nhắc lại những chỉ đạo đã nhiều lần nêu với ngành, đó là cần có sự chuẩn bị các điều kiện để đầu tư được công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của một dân tộc, tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phong trào. Đối với du lịch, đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó khai thác tổng lực trong đó dựa vào con người, dựa vào văn hóa, điều kiện thiên nhiên, đặc biệt con người như một nguồn lực phát triển.
Tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ bàn bạc, cụ thể hóa từng nội dung trong thời gian tiếp theo.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng điểm lại “5 điểm sáng” của ngành trong năm 2022, thứ nhất là sự thay đổi một cách cơ bản trong tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, quản lý bằng công cụ pháp luật, bằng các văn bản điều chỉnh, vì vậy đã chủ động rà soát, phát hiện các điểm nghẽn để kịp thời đề xuất và chủ động tham mưu để ban hành các văn bản… chỉ trong 1 năm đã trình Quốc hội ban hành được 2 Luật liên quan đến văn hóa, 6 Nghị định của CP liên quan đến lĩnh vực này, 20 Thông tư của Bộ, nhiều văn bản được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý.
Theo Bộ trưởng, thành công nhất là tham mưu đúng và trúng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, cho phép tổ chức dự thảo về thể chế chính sách mà Bộ là cơ quan tham mưu.
Thứ 2 là tập trung vào xây dựng văn hóa, chọn vấn đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa là nơi góp phần nhìn nhận con người văn hóa, từ đó tập trung thực hiện. Sức lan tỏa của môi trường văn hóa đã rộng khắp, được các địa phương triển khai thực hiện. Môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư đã có hiệu ứng, góp phần khắc phục vấn đề xuống cấp về văn hóa, đạo đức.
Thứ 3, toàn ngành đã nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thể thao quy mô cấp vùng, cấp khu vực để lại dấu ấn không chỉ với nhân dân mà còn với bạn bè quốc tế. Thành công đó là SEA Games ở nhiều phương diện gắn liền với yếu tố văn hóa và Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tiếp đến là các kỳ liên hoan lớn toàn ngành, tạo sức bật mới cho các địa phương, tôn vinh nghệ thuật, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân…
Trong lĩnh vực du lịch, dù chưa đạt được con số về đích của khách quốc tế, nhưng du lịch nội địa đã vượt xa với 101 triệu lượt khách, với doanh thu chưa thống kê đầy đủ là 495 ngàn tỷ đồng, đóng góp cho kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được, còn nhiều địa phương chưa thực sự triển khai được các chủ đề công tác lớn của Bộ, các kết luận của TW.
“Nếu không quan tâm thực sự thì liệu văn hóa của vùng đất đấy có phải là nơi để kiến tạo sự phát triển bền vững hay không? Trách nhiệm này những người đứng đầu các Sở Văn hóa thể thao, Sở VHTTDL phải cùng lãnh đạo Bộ suy nghĩ trongcông tác tham mưu” - chia sẻ những khó khăn của địa phương có địa phương là một sở, có nơi 2 sở, chính vì vậy sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường sự phối hợp hơn nữa.
“Chính phủ đã đồng ý ngành Văn hóa xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, vì vậy rất mong muốn các địa phương đóng góp ý kiến ngay từ đầu, kiến tạo từ khâu nghiên cứu”, Bộ trưởng nói và bày tỏ mong muốn sự chung tay chung sức của toàn ngành, trên cơ sở này cụ thể hóa các nội hàm, các thành tố để triển khai trong thời gian tới.
Viễn Nguyệt