Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN được tổ chức tại Việt Nam năm 2009 (ATF 09), Bộ trưởng du lịch 9 nước ASEAN đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN (vào thời điểm đó do chưa hoàn tất các thủ tục trong nước nên riêng Thái Lan chưa ký kết để chính thức tham gia MRA). Đây là cơ sở để ASEAN từng bước hài hòa tiêu chuẩn và chương trình đào tạo nghề du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển, sử dụng lao động nghề du lịch trong khu vực.
Thỏa thuận MRA gồm 9 điều, nội dung tập trung xác định các mục tiêu, phạm vi, khuôn khổ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, nghề du lịch, cơ chế đăng ký, thừa nhận lao động nghề du lịch trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở đó góp phần tự do hóa thương mại dịch vụ trong ASEAN, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Để triển khai MRA, ASEAN sẽ phối hợp hình thành khung Tiêu chuẩn nghề du lịch chung trong ASEAN; xây dựng Chương trình đào tạo chung về du lịch, khung đào tạo và tài liệu đào tạo. Có 32 chức danh công việc được đánh giá theo MRA, từ trực buồng, lễ tân, các dịch vụ ăn uống, các bộ phận trong khách sạn cho tới các công ty lữ hành và các bộ phận trực thuộc. Về mặt cơ chế, tổ chức, ASEAN sẽ thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) với chức năng làm cơ quan đầu mối chia sẻ thông tin giữa cơ quan du lịch quốc gia thành viên; duy trì cập nhật khung tiêu chuẩn nghề du lịch; hình thành cơ chế triển khai MRA; trao đổi thông tin về hệ thống đánh giá tiêu chuẩn nghề, tài liệu quy trình đánh giá tiêu chuẩn nghề. ATPMC sẽ họp định kỳ vì vậy, dự kiến giúp việc cho ATPMC sẽ có một Ban thư ký. Về tổ chức nhân sự, ATPMC sẽ có đại diện của cơ quan du lịch quốc gia thành viên, Hội đồng nghề du lịch quốc gia ASEAN.
Trong phạm vi quốc gia, mỗi thành viên ASEAN sẽ phải hình thành Hội đồng nghề du lịch quốc gia (NTPB) và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch (TPCB). Chức năng của Hội đồng nghề du lịch quốc gia bao gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế cần thiết để có thể triển khai MRA; nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin về Thỏa thuận này trong phạm vi cả nước; giới thiệu, cập nhật và giám sát những yêu cầu tối thiểu của bộ tiêu chuẩn nghề trong dịch vụ khách sạn và lữ hành (ACCSTP); thúc đẩy trao đổi thông tin liên quan hài hòa hóa, cập nhật tiêu chuẩn nghề và chương trình giảng dạy của khu vực và/hoặc quốc tế.
Trong khi đó, chức năng Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch bao gồm: đánh giá trình độ, năng lực của người lao động du lịch được quy định trong yêu cầu tối thiểu của bộ tiêu chuẩn nghề trong dịch vụ khách sạn và lữ hành (ACCSTP); cấp giấy chứng nhận cho người lao động du lịch, những người có trình độ, năng lực đáp ứng những tiêu chuẩn quy định trong ACCSTP; thực hiện đăng ký cho người lao động du lịch đã được cấp bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn nghề chung ASEAN tại Trung tâm đăng ký lao động ASEAN-ATPRS; thông báo cho NTPB trong trường hợp người lao động du lịch nước ngoài không đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ đặc biệt hoặc vi phạm kỹ thuật, nghề nghiệp hoặc tiêu chuẩn đạo đức.
Cơ chế (mô hình) hoạt động trong khuôn khổ MRA trong tương lai như sau: ASEAN từng bước hình thành khung Tiêu chuẩn nghề du lịch chung cho khu vực; xây dựng Chương trình đào tạo, khung đào tạo và tài liệu đào tạo; thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC); hình thành Trung tâm đăng ký lao động ASEAN-ATPRS, trên cơ sở tổ chức dữ liệu lao động nghề du lịch trên trang website. Đối với phạm vi quốc gia, mỗi nước thành viên sẽ thành lập TPCB và NTPB; tiến hành đào tạo và cấp chứng chỉ nghề du lịch (được thừa nhận trong ASEAN). Những lao động được đào tạo và có chứng chỉ nghề trên có thể đăng ký tại ngân hàng thông tin lao động trong ASEAN thông qua Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) và Trung tâm đăng ký lao động ASEAN - ATPRS. Như vậy, thông qua cơ chế triển khai MRA, khu vực sẽ dần hình thành ngân hàng dữ liệu các lao động có tay nghề được đào tạo, cấp chứng chỉ được thừa nhận phạm vi khu vực. Trên cơ sở đó, các nước, các cơ sở kinh doanh du lịch ở các nước thành viên sẽ có thêm nhiều lựa chọn để tuyển dụng, sử dụng lao động của khu vực khi có nhu cầu.
Ngày 9/11/2012 tại Bangkok, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, ông Chumpol Silapa-archa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao, thay mặt Chính phủ Thái Lan đã chính thức ký kết, khẳng định cam kết tham gia MRA của Thái Lan trong đại gia đình ASEAN. Tổng thư ký ASEAN khẳng định việc Thái Lan ký kết MRA đánh dấu một cột mốc quan trọng của ASEAN trong việc tạo được sự đồng thuận của tất cả các thành viên, và thành công trong việc theo đuổi các sáng kiến quan trọng cho sự hội nhập của ASEAN…
DND