Xin thưa quý độc giả: quý vị đã bao giờ ở trong một khu nào đó của đất nước Việt Nam mình, mà chim hoang dã bu kín các tán cây, bay kín bầu trời, phải đuổi chim đi mới nhìn thấy lá cây, tiếng kêu ra rả của chúng… như ve sầu đầu hạ? Bạn đã bao giờ được chiêm ngưỡng cả một rừng núi vàng ruộm toàn hươu nai, cả một thung lũng toàn sư tử, cả một con suối cạn đầy lau lách mà mấy chục con voi vô tư vin cành bẻ lá trong trạng thái hoàn toàn hoang dã? Tôi đã gặp cảnh đó ở rừng châu Phi và nhiều nước khác nữa, như Ấn Độ, Nepal, Hàn Quốc, Malaysia. Và những câu hỏi nữa: bạn đã bao giờ đi qua những nhà ga, bến xe, có hàng vạn con chim đậu choán hết lối đi, chim giăng kín các dây điện ngay sát nóc của những con tàu. Bạn đã bao giờ đi đến những miền quê, phải dừng xe lại cho sóc, khỉ sang đường?
Ở Ấn Độ, đi dọc sông Hằng, người ta phải chờ đàn chim hoang dã bay vãn đi, mới giơ máy ảnh lên chụp được ảnh hoàng hôn, bình minh hay các tòa lâu đài rêu phong ở đôi bờ. Bạn chỉ cần giơ tay ra, là chim chóc, sóc chuột tuyệt đẹp sẽ bò lên tay bạn mà nhảy múa. Ở Hàn Quốc, vùng đất cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng khi vào các khu vui chơi của họ như Eveland, bạn có thể thấy những cô gái, những đứa bé với đôi bàn tay mũm mĩm như búp măng non… đang giơ ra cho vẹt, cho chim chích bông nhiều màu sắc đậu. Lúc ấy, họ đắm chìm tuyệt đối trong thiên nhiên. Và tôi cũng thế.
Mong muốn được gần gũi, quan sát, tư lự, chìm đắm trong thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và muông thú như cổ tích kia… là cái gì đó rất bản năng của con người. Có lẽ bởi vì như khoa học chứng minh, con người đi ra từ rừng. Con người là “loài” văn minh nhất. Song cũng là loài duy nhất của thế giới này nỡ quay lại phá rừng. Có kẻ phá xong còn khao khát phục hồi nó để tri ân nó, nhiều kẻ phá trụi sau đó vô tội vạ đổ bê tông vào. Để rồi sa mạc hóa tâm hồn, để rồi họ nhất tề bị cái ám thị là đứa trẻ mồ côi của chính Bà Mẹ Rừng không phải lúc nào cũng bao dung kia...
Nhìn đàn voi châu Phi trong khu rừng được bảo tồn tuyệt đối hoang dã ở Kruger, giáp biên giới Nam Phi và Mozambique tôi thấy chạnh lòng. Voi Việt Nam bị săn bắn để ngà, bị chặt trộm đuôi, nhổ trụi lông đuôi. Chúng sắp chỉ còn là ký ức. Voi hoang dã vì mất sinh cảnh nên điên cuồng vào phá nhà dân, phá rẫy. Chúng ta đã bảo tồn nửa vời, vô trách nhiệm và phản bảo tồn. Vì sao voi châu Phi có thể ve vẩy tai to, chống cặp ngà sắc nhọn, dàn hàng ngang trước những chiếc ô tô tiền tỷ của khách du lịch? Bởi chúng được bảo vệ nghiêm ngặt, được rừng châu Phi che chở với đầy đủ thức ăn, nơi cư ngụ, sự bình yên. Gấu, hổ và sư tử ở Hàn Quốc có thể chồm lên chào bạn, ngửi cái ô tô của bạn, rồi trêu ghẹo bạn qua cửa kính trong vắt của cỗ xe tham quan to như chiếc du thuyền. Vì sao thế? Vì dịch vụ của họ rất hoàn hảo, họ biết rằng, kinh doanh sinh thái là nuôi “con gà đẻ trứng vàng”.
Ở ta thì sao? Công viên, vườn thú Thủ Lệ giữa lòng Hà Nội, có người gọi đó là vườn “bách khỉ” chứ không phải “bách thú”. Thú ở đây, voi, hổ, hươu, nai, con gì cũng có. Con gì cũng gầy yếu. Hổ báo bị nhốt kỹ đến mức, ốm yếu đến mức, tôi đứng cả tiếng nó chả buồn đứng dậy cho ngắm. Tôi chưa bao giờ chụp được con hổ ở Thủ Lệ, vì người ta giam hổ rất chặt, ô mắt cáo kín bưng. Họ không quan tâm đến cái lý do rất nhân văn là vào vườn thú thì phải ngắm thú đẹp, thú khỏe, phải chụp ảnh thú. Ở vườn thú nổi tiếng Đại Nam (tỉnh Bình Dương), động vật có vẻ được đối xử tử tế hơn, nhưng vẫn là nhốt 100%, không có sinh cảnh, khoảng cách giữa động vật và người chiêm ngưỡng còn rất xa. Muốn chụp một bức ảnh tử tế cũng… khó như tìm đường lên trời. Vườn thú thì vậy, còn ở tự nhiên, vào cả vườn quốc gia mà không có bất cứ một hoang thú nào, đến tiếng chim hót và đàn bướm bay cũng hiếm vắng đến xót xa.
Lúc tôi thở dài tìm chim và bướm trong khu bảo tồn quốc gia như vậy, anh bạn bản xứ ghé tai: muốn xem nai, hoẵng, muốn cả tay gấu à? Muốn nhìn thấy nó, thì ra nhà hàng ngoài ông ơi. Bằng cách này hay cách khác, bằng thảm họa hung dữ hay bằng một cách êm đềm nhất, tôi hiểu rằng, thiên nhiên sẽ trả vố chúng ta, nếu cứ như thế này. Chúng ta sẽ mất cơ hội vàng để hun đúc nên những điệu hồn tử tế, có cảm xúc và nhân ái hơn, nếu cứ quay mặt với thiên nhiên như thế này…
Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)