Năm 2014, một phần Vườn quốc gia Côn Đảo được Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trao tặng danh hiệu khu Ramsar thứ 2203 của thế giới - khu vực đất ngập nước quan trọng quốc tế thứ 6 của Việt Nam và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Côn Đảo đáp ứng 5 tiêu chí theo công ước Ramsar gồm mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên ở vùng biển phía Đông Nam của Việt Nam và của khu vực. Mỗi năm có hơn 15.000 khách du lịch (trong đó có khoảng 5.000 khách quốc tế ), doanh thu từ du lịch sinh thái khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo nguồn lực góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Côn Đảo.
Vườn quốc gia Côn Đảo là vườn đặc thù vừa quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trên cạn vừa quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở biển, đã ghi nhận 1.077 loài thực vật rừng; 160 loài động vật rừng và 1.725 loài sinh vật biển. Vườn quốc gia còn có vùng đệm biển bao quanh các phân khu là 20.500ha.
Với 2 kiểu rừng chính là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với các hệ sinh thái rừng trên núi thấp, rừng trên đồi cát khô hạn ven biển, rừng tràm ngập phèn. Đã ghi nhận 1.077 loài thực vật rừng thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch trong 6 ngành thực vật, trong đó: cây gỗ 420 loài, cây bụi 273 loài, dây leo 137 loài, cây cỏ 137 loài, khuyết thực vật 53 loài và thực vật phụ sinh 20 loài; có 44 loài được các nhà khoa học tìm thấy đầu tiên ở Côn Đảo; 23 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 4 loài có tên trong sách đỏ IUCN và 11 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm; có 11 loài đặc hữu.
Không những thế, vườn còn rất đa dạng về động vật, với ghi nhận 160 loài trong khu hệ động vật có xương sống trên cạn, với 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch nhái. Trong số này có 35 loài quý hiếm, trong đó có 17 loài ghi trong Sách đỏ IUCN; 22 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 16 loài ghi trong danh mục công ước CITES và 15 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm; có 3 loài đặc hữu.
Biển Côn Đảo có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô. Đã ghi nhận 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 226 loài thực vật phù du, 143 loài động vật phù du, 360 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 thân mềm, 115 loài da gai, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển trong đó 72 loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm bao gồm: thực vật (04) loài ; thân mềm (16 loài); da gai (06 loài); san hô (12 loài); cá (24 loài); bò sát (02 loài); chim biển (01 loài); thú (07 loài), các loài thú biển lớn như Dugong (Dugong dugon), cá heo mõm dài (Stenella longirostris).
Côn Đảo còn là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa (như bò biển Dugon, rùa biển). Vườn còn là nơi đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì đa dạng sinh học quan trọng tại Việt Nam và của thế giới, là nơi cung cấp nguồn thức ăn cho các loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư của nhiều loài sinh vật biển.
Trước năm 1987, các loài rùa biển như vích (rùa xanh - Chelonya mydas), đồi mồi (Eretmochelys imbricata) được săn bắt tự do tại Côn Đảo, người ta sử dụng chúng để sản xuất hàng mỹ nghệ, làm thực phẩm thậm chí để chăn nuôi heo. Năm 1989, các cơ quan có thẩm quyền của Côn Đảo đã tăng cường công tác bảo vệ ngư trường, tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các bãi biển và vùng biển xung quanh Côn Đảo, nhằm ngăn chặn khai thác thủy hải sản bừa bãi và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường...
Rừng ngập mặn có khoảng 31ha phân bố xung quanh Hòn Ba, dọc bờ biển phía tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, diện tích vào khoảng 1.000ha. Côn Đảo là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo đặc thù và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô chứa đựng sự đa dạng cao các loài cá và các loài thủy sinh vật khác; là sinh cảnh đẻ trứng, ương nuôi ấu trùng, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển của khu vực biển Đông Nam Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á. Các hệ sinh thái biển còn có tầm quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng lượng oxy trong nước biển và bảo vệ bờ biển Côn Đảo.
Bảo tồn đa dạng sinh học nhằm duy trì, lưu giữ nguồn gien và các sinh cảnh đặc trưng của Côn Đảo và của Việt Nam, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống bền vững.
Nhiều loài sinh vật tại Côn Đảo có giá trị cung cấp thực phẩm và dược liệu. Bảo tồn đa dạng sinh học tại Côn Đảo chính là sự bảo tồn và khai thác bền vững kho dược liệu và thực phẩm trong tương lai. Côn Đảo là nơi để các nhà khoa học đến nghiên cứu và nhiều sinh viên đến thực tập. Không chỉ có giá trị cao về giáo dục và khoa học, tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan Côn Đảo còn là tiềm năng và thế mạnh to lớn để khai thác và phát triển du lịch sinh thái.
Du lịch, dịch vụ đang tạo ra đang tạo ra diện mạo mới cho Côn Đảo, góp phần bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam tại Côn Đảo, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định, đáng kể cho cộng đồng địa phương. Do đó, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên gắn với du lịch sinh thái biển và bảo tồn đa dạng sinh học bền vững là hướng đi thích hợp, cần được quan tâm phát triển.
Với danh hiệu quốc tế Ramsar mới, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học sẽ được cộng đồng quốc tế quan tâm đến nhiều hơn, kết hợp với công tác bảo tồn đa dạng sinh học có thể sớm tạo ra một thương hiệu du lịch mới cho Côn Đảo.
Hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia Côn Đảo
Đi bộ xuyên rừng để hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh cùng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Bách bộ trên những bãi biển vắng lặng để thư giãn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển.
Mắc võng nghỉ ngơi trong những rặng phi lao ven bờ biển.
Tham gia những chuyến du lịch biển bằng tàu và câu cá giải trí.
Đi bộ, đạp xe dọc theo những con đường ven biển.
Leo núi, xuyên rừng để chinh phục, khám phá thiên nhiên, ngắm cảnh và rèn luyện sức khoẻ.
Bơi lội với ống thở để xem san hô ở những bãi biển có mực nước nông.
Lặn sâu với bình dưỡng khí để khám phá sự đa dạng của đại dương. Tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm Côn Đảo.
Tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái biển, tìm hiểu các dự án về biển và công tác bảo tồn các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoang nuôi những loài hải sản qúy hiếm như: trai tai tượng, ốc vú nàng…
Xem chi tiết tại: www.condaopark.com.vn |
Dư Văn Toán