(VTR) - Để tận cảm được mùa hạ thì phải lên với những thảo nguyên. Mùa của cỏ xanh hết mình, ngạo nghễ chạm trời xanh, mùa của nắng vàng hết độ để cho lúa nương của ruộng bậc thang, của đào, của cam không rôn rốt, nhàn nhạt mà ngọt lịm, thơm lừng.
Trên đỉnh Thom Tắng đất Thuận Châu
Đất Thuận Châu, huyện lỵ cuối cùng phía cực Bắc của Sơn La, nơi có những thảo nắng đã gắt hơn nhưng trời không vì thế mà oi ả bởi cái mát lành toát lên từ suối và cây cỏ. Tạo hóa như một người họa sĩ lừng danh trải rộng cảnh vật ra thành những đồng cỏ tạo ra cái viễn cảnh thinh không lặng ngắt rồi lại dựng nên một cận cảnh chóp núi đội đỉnh đèo cao ngất ngay trước tầm mắt. Bé nhỏ ngay trước mặt chúng tôi là những mái nhà lam khói trưa hè, nhưng mênh mông rợn ngợp là nắng vàng ngập màu lá thắm. Từ trên đỉnh Chom Tắng đất Thuận Châu nhìn về phái bên kia là Nậm Ty của sông Mã, ngoảnh sang bên này là Chiềng Nơi của huyện lỵ Mai Sơn, đỉnh núi như đỉnh tháp cất giấu những bí mật muôn đời của thảo nguyên. Con đường mòn dân sinh bao đời leo núi không cho cỏ dại mọc, anh bạn người Thái đen vốn người bản xứ đất Mường Muổi xưa này cất giọng trầm trầm kể rằng:
- Xưa kia đất này còn là nơi những đàn bò rừng hung hãn về tranh đồng cỏ với đàn bò nhà. Lợn rừng hung hãn tranh ăn cả khóm rau rừng mà người vừa tìm được. Gà rừng gáy óc eo đánh thức giấc ngủ vùi của mục dân mệt nhọc. Ngày nay là lúa nương, lúa nước bậc thang, lợn nuôi, bò thả của một đời sống canh tác nông nghiệp ổn định.
Ngừng lại đôi chút như thể chạnh lòng về những đổi thay của nơi đây rồi anh kể tiếp:
- Nhưng thảo nguyên vẫn là miền đất mênh mông để trâu rừng về lót lá nằm ổ, đợi hết một năm mới dẫn đàn về dưới gầm sàn. Những lần đưa bò đi hết miền cỏ này đến miền cỏ kia, sang đất của châu, mường khác nghe thổ âm là lạ nhưng ánh mắt người đi chăn gia súc nhìn nhau vẫn cười. Người nơi đây sống trên lưng bò, thấy nhau từ xa không lại gần bắt tay xã giao nhưng ánh mắt nhìn nhau từ xa cũng vẫn đầy thân thiện.
Chúng tôi ghé vào một căn chòi nhỏ giữa thảo nguyên như lạc vào giữa một câu chuyện cổ tích. Chòi dựng bên nương lúa như ngôi nhà người tí hon nhưng đủ chỗ chất lúa và người ngủ gác. Người thảo nguyên vốn ghét cái lạnh nhạt, đãi bôi của chợ, đường xuôi. Đón chúng tôi vào chòi canh, dẫu chẳng có gì nhiều thì cũng là dăm món hoa trái mà vừa nhìn đã nhận ra sự gọn gẽ, giản đơn của người xê dịch ngàn dặm mang theo hàng ngày. Nào là chiếc bánh chưng gói hình khum lưng trâu như một loại lương khô, dăm khúc mía mầm, mấy túm củ đậu, non nửa nải chuối rừng có hột ăn tuy hơi chát nhưng có mùi hương rất lạ. Gia chủ nói rằng người kẻ chợ phố phường gặp nhau nơi hàng quán. Người miền thượng gặp nhau lúc đi nương. Giữa thảo nguyên mênh mông hào phóng mà mở túi, lục ếp (chiếc giỏ mang bên hông) để mời nhau mừng gặp người khách lạ.
Cọn nước xòe vòng quay đưa ống nước đầy tràn vào ruộng lúa
Quả thật, lên tới đây, hòa mình vào không gian ta mới cảm nhận được rằng thảo nguyên mênh mông thì người níu tình nhau bền chặt như thể sợ lìa xa, lạc bước. Mùa này ve kêu nhiều trên những tán cây nhưng không át nổi tiếng chim mùa lúa chín chíu chít gọi bạn. Chiều về khi ta buộc chặt cương ngựa nơi gốc cây già, nằm ngắm thảo nguyên mênh mông đổi gam màu mát dịu khi mặt trời gác sườn núi mới thấy cuộc đời rộng dài bất tận chứ đâu bon chen, quẫn bách. Cọn nước xòe vòng quay đưa ống nước đầy tràn vào ruộng lúa, nước đẩy vòng tròn diệu kì quay mãi như chiếc đồng hồ thời gian không số vừa giục người ta mải miết trong một ngày vừa khuyên người ta khoan khoan thảnh thơi vì đời còn mênh mang như cỏ thảo nguyên. Thảo nguyên đêm về tĩnh lặng, thanh mát như sinh khí tỏa ra từ ánh trăng. Hít căng đầy một hơi thở thấy tình yêu nơi đất trời gần nhau nhất cũng thành thật, bộc tệch như lòng người trên thảo nguyên vậy. Đã gặp rồi không thể nào quên.
Bùi Việt Phương