(VTR) Vẫn mạnh mẽ vươn lên, giống như hình ảnh một nước Nga hùng cường trở lại đầy ấn tượng tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những cuộc tranh tài hấp dẫn, người hâm mộ trên toàn thế giới được thêm một lần "du lịch" khắp mọi miền nước Nga để hiểu hơn về đất nước Nga vĩ đại và con người Nga đôn hậu, yêu chuộng hòa bình, ham thích thể thao.
Quang cảnh lễ khai mạc tại Sochi
1. Năm 1980, Liên Xô (cũ) từng đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Hè tại Moscow và chú gấu Misa quen thuộc khi ấy đã cùng hơn 5.000 VĐV đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ làm nên ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, cũng ở thời điểm Chiến tranh Lạnh đó, việc một số nước phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ tẩy chay không tham dự, ít nhiều đã ảnh hưởng hình ảnh của Đại hội. Sau đó, những biến động lớn về chính trị, xã hội đã khiến nước Nga, trong đó có cả nền thể thao Xô viết hùng mạnh một thời sa sút, để lại nhiều tiếc nuối.
Nhưng rồi nước Nga đã trở lại mà Thế vận hội mùa Đông lần thứ XXII là minh chứng rõ nhất. Theo đó, cách đây 7 năm, trong phiên họp thứ 119 của mình tại Guatemala, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định trao quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông lần thứ XXII cho nước Nga, thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng bên bờ biển Đen Sochi đã đánh bại những đối thủ tiềm năng như: Salzburg (Áo); Pyeongchang (Hàn Quốc).
Lần thứ hai trong lịch sử, nước Nga lại là chủ nhà của một kỳ thế vận hội và là kỳ thế vận hội mùa Đông đầu tiên. Chủ tịch Ủy ban Olympics quốc tế (IOC) Thomas Bach, một trong những người đầu tiên đến thành phố Sochi cho rằng Sochi 2014 có thể sẽ là Thế vận hội xuất sắc nhất trong lịch sử Olympic. "Chúng tôi đã chứng kiến tất cả những gì mà nước Nga đã đạt được trong những năm gần đây. Nước Nga đã hoàn thành tất cả các cam kết được tuyên bố với IOC cách đây 7 năm. Chúng tôi cảm ơn các bạn vì thành tích xuất sắc này".
Còn với Tổng thống Nga, V.Putin - người đóng vai trò qua trọng trong việc giành quyền đăng cai thế vận hội cho nước Nga khẳng định, xứ sở Bạch dương muốn biến Thế vận hội Sochi 2014 thành một sự kiện thể thao ấn tượng và ý nghĩa nhất trong lịch sử, qua đó khẳng định vị thế đang vươn lên mạnh mẽ của nước Nga.
2. Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 lập kỷ lục mới về quy mô với khoảng 3.000 VĐV và 3.000 thành viên các đoàn thể thao từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh 98 bộ huy chương của 15 môn thể thao. Tuy nhiên, ấn tượng của đại hội còn vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao đơn thuần khi được gắn kết với nhiều mặt của đời sống xã hội.
Tại Lễ khai mạc vào ngày 7/2, 40.000 người có mặt trực tiếp trên sân vận động và hàng tỷ khán giả truyền hình đã được chứng kiến một màn trình diễn tuyệt vời nhất lịch sử Thế vận hội. Giống như câu chuyện cổ tích, một nước Nga vĩ đại lại được tái hiện hoành tráng thông qua từ vở ballet “Hồ Thiên Nga” của nhà soạn nhạc thiên tài Pyotr Tchaikovsky, tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” của đại văn hào Lev Tolstoy cho tới Cách mạng tháng Mười hay thành tựu khoa học kỹ thuật thời Xô viết.
Và màn quảng bá của nước Nga hiện đại còn mạnh mẽ hơn thế. Theo các nguồn tin từ nước ngoài, tổng chi phí xây dựng các hạng mục công trình thể thao và hạ tầng phục vụ Thế vận hội Sochi lên tới 51 tỷ USD, gấp bốn lần dự kiến ban đầu. Ngoài ra, 25 nghìn tình nguyện viên được tuyển chọn từ 200 nghìn đơn đăng ký, nhằm hỗ trợ đón tiếp khách du lịch, hướng dẫn đường đến các địa điểm thi đấu.
Thành phố du lịch biển Sochi cũ kỹ thời bao cấp thực sự thay da, đổi thịt với thế vận hội để trở thành khu nghỉ mát hiện đại cùng 218 cơ sở mới, đó là các khách sạn, trung tâm truyền thông, phòng hội nghị, quán cà phê, ngoài ra còn có thêm 14 cơ sở thể thao cho hơn 190 nghìn người xem. Cơ sở vật chất hiện đại cũng giúp cho Sochi sẽ còn trở thành trung tâm chính trị thế giới, khi vào tháng 7 tới, nơi đây sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Canada, Pháp, Mỹ... Không hề quá lời khi nói, nhờ thể thao, nhờ thế vận hội mùa Đông, Sochi xứng đáng trở thành thủ đô mới - một trung tâm chính trị, kinh tế, du lịch lớn và đẩy tiềm năng của nước Nga hiện đại.
3. Vẫn biết, trong thể thao mọi so sánh chỉ mang tính tương đối, nhưng rõ ràng thành công của Thế vận hội mùa Đông Sochi trên mọi phương diện thực sự là bài học đáng ngưỡng mộ mà thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được nhiều điều.
Trở lại hội nhập với phong trào thể thao quốc tế từ năm 1989 thông qua SEA Games, đến nay thành tích cũng như vị thế của Thể thao Việt Nam đã được nâng lên đáng kể trên đấu trường quốc tế. Quan trọng hơn, không dừng lại ở "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương", những sự kiện thể thao lớn được tổ chức trong nước như SEA Games 22 năm 2003; Đại hội thể thao trong nhà châu Á 2009... đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo cho địa phương tổ chức, thúc đẩy kinh tế, xã hội, du lịch phát triển.
Và vào năm 2016, Việt Nam tiếp tục lần đầu tiên tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á và đặc biệt là năm 2019 là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18, những sự kiện thể thao hàng đầu châu lục cũng đòi hỏi những đầu tư mới hơn, lớn hơn từ cơ sở vật chất đến hạ tầng kỹ thuật. Vấn đề đặt ra là làm thế nào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tổ chức chuyên ngành về thể thao, thì những sự kiện này cũng cần phải tạo nên hiệu ứng phát triển cho các mảng quan trọng khác như: đời sống dân sinh, xã hội, du lịch... Đó chính là điều mà Thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy và học được qua Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014.
Hoàng Hà
Bạn có biết?
Thể thao Việt Nam từng đặt mục tiêu tham dự Olympic mùa Đông Sochi 2014
Cụ thể, tại Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) nhiệm kỳ IV (2012 – 2016) diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9/2012 khi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, VOC đã đề ra nhiều mục tiêu, trong đó có cả mục tiêu - Phấn đấu có VĐV Việt kiều tham dự Olympic Mùa đông tại Sochi (Nga) vào năm 2014.
Trên cơ sở này, phía ngành thể thao từ lâu đã thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để tìm kiếm các VĐV Việt kiều có thể tham dự các giải thể thao quốc tế mùa Đông, trong đó có cả tài năng trẻ Nam Nguyễn tại Canada. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có VĐV Việt kiều nào nhận lời cũng như đủ điều kiện tham dự Olympic Sochi 2014.
|