(VTR) Năm Giáp Ngọ 2014 với chặng đường mới đã mở ra đầy thách thức, nhưng cũng hứa hẹn những thành công với Thể thao Việt Nam. Hãy cùng Tạp chí Du lịch điểm lại những năm Ngọ đáng nhớ của Thể thao Việt Nam (TTVN) kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông quy về một dải.
Đoàn TTVN tại SEA Games 23
1. Mậu Ngọ 1978 và giải VĐQG đầu tiên
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng và một giải VĐQG với sự góp mặt của các tài năng thể thao cả nước là khát vọng cháy bỏng của những nhà quản lý thể thao lúc ấy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh riêng của đất nước, phải tới năm Mậu Ngọ 1978, khát vọng ấy mới thành hiện thực. Đó chính là giải bóng bàn toàn quốc đầu tiên được tổ chức và miền đất Võ Bình Định được chọn là nơi tổ chức.
Bóng bàn vào thời điểm đó không chỉ là môn thể thao phát triển mạnh mẽ trong cả nước chỉ sau bóng đá mà còn sở hữu nhiều cây vợt được đánh giá vươn tới trình độ quốc tế. Phía Bắc lúc ấy là: Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Đức Long... còn phía Nam với cánh chim đầu đàn Vương Chính Học cùng tài năng trẻ Trần Tuấn Anh, người vài năm sau thống trị làng bóng nhựa cả nước.
Bên cạnh những danh hiệu hàng đầu quốc gia, giải đấu còn được sự quan tâm đặc biệt khi nó là màn so tài cao thấp giữa các cây vợt hai miền, mà dân trong nghề khi ấy còn "chưa chịu nhau". Kết quả, bóng bàn miền Bắc thắng lớn với 2 chức vô địch của Nguyễn Ngọc Phan (đơn nam) và Nguyễn Thị Mai (đơn nữ). Quan trọng hơn, thành công của giải đấu năm đó, đã mở ra thời kỳ mới - Thời kỳ của các giải vô địch toàn quốc.
2. Canh Ngọ 1990 với lộ trình chinh phục SEA Games
Năm 1989, Thể thao Việt Nam chính thức trở lại, hội nhập với đấu trường thể thao quốc tế thông qua chuyến tham dự SEA Games 15 tổ chức tại Malaysia. Ở lần thử sức này, dù chỉ với 42 tuyển thủ của 8 môn và giành vỏn vẹn 3 HCV để xếp hạng 7/9 đoàn tham dự, nhưng một kết luận quan trọng đã được rút ra - Thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể "chơi được" tại SEA Games nếu có một lộ trình hợp lý.
Nữ tuyển thủ Wushu Nguyễn Thúy Hiền
Và cái lộ trình chinh phục SEA Games chính thức được bắt đầu vào năm Canh Ngọ 1990 với phương châm "đi tắt, đón đầu". Cụ thể, là song song với việc phát triển chung của cả nền thể thao quốc gia, Thể thao Việt Nam du nhập các môn thể thao mới phù hợp, tập trung phục hồi, đầu tư vào các môn thế mạnh có khả năng giành vị trí cao tại khu vực. Khi đó, bên cạnh những môn như: bắn súng, bóng bàn, điền kinh, bơi... lần đầu tiên, người hâm mộ biết đến những: Wushu, cầu mây, Judo, Taekwondo...
Thách thức cho lộ trình mới bắt đầu ngay vào năm 1991 với SEA Games 16 tổ chức tại Philippines. Khi ấy, đoàn Việt Nam tham dự với số người lên đến 150, trong đó có 100 tuyển thủ tranh tài ở 15/27 môn. Kết quả, dù vẫn chỉ xếp ở vị trí thứ 7, nhưng đoàn Thể thao Việt Nam đã giành tới 7 HCV - 12 HCB - 10 HCĐ! Con đường SEA Games, con đường hội nhập đã mở ra để đưa nền thể thao nước nhà lên vị thế mới và...
3. Nhâm Ngọ 2002 cùng bước chuyển lớn
Thêm 1 con giáp trôi qua và trong quãng thời gian ấy, Thể thao Việt Nam liên tục cải thiện thành tích và thứ hạng qua các kỳ SEA Games được tổ chức 2 năm/1 lần. Đặc biệt hơn, cũng trong khoảng thời gian đó, dấu ấn, vị thế của thể thao nước nhà trên trường quốc tế càng được in đậm và nâng cao thông qua quyết định của Hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á quyết định trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games 22 năm 2003 cho Việt Nam.
Tay vợt Ngọc Phan
Là kỳ Đại hội thể thao quốc tế chính thức đầu tiên được tổ chức tại nước ta, sự chuẩn bị cho SEA Games 22 diễn ra trên nhiều mặt và tạo nên bước chuyển lớn cả về chất và lượng. Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với 2 công trình chính là Sân vận động quốc gia cùng Khu liên hợp thể thao dưới nước được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc tế, tạo nên hệ thống cơ sở vật chất thể thao hiện đại đầu tiên của nước ta. Lực lượng chuyên môn cũng gấp rút được chuẩn bị nhằm đạt thành tích cao nhất trong vai trò chủ nhà. Cũng vào năm Nhâm Ngọ 2002, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV được tổ chức và được xem là cuộc tổng duyệt lớn cho SEA Games 22 diễn ra vào năm sau.
Bước chuyển lớn đã trở thành thành công vang dội trong lịch sử thể thao nước nhà. SEA Games 22 - Việt Nam 2003 đã thành công tốt đẹp với sự góp mặt lần đầu tiên của tất cả 11 đoàn thể thao trong khu vực và thực sự là ngày hội lớn của tình đoàn kết, hữu nghị. Về chuyên môn, với 158 HCV - 97 HCB - 91 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam cũng lần đầu tiên vươn lên chiếm ngôi đầu thể thao Đông Nam Á.
4. Giáp Ngọ 2014 với thách thức mang tầm châu lục
Khẳng định vị thế tại đấu trường khu vực và SEA Games 27 vừa diễn ra tại Myanmar là minh chứng, nhưng mục tiêu của Thể thao Việt Nam ở năm Giáp Ngọ 2014 không dừng lại ở đó mà lúc này đã vươn tới tầm châu lục.
Trong năm 2014 này, thể thao nước nhà sẽ tham dự Đại hội thể thao châu Á - Asiad lần thứ 17 diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc) với mục tiêu phấn đấu giành từ 2-3 HCV. Quan trọng hơn, lần tham dự này còn mang ý nghĩa quan trọng - Chuẩn bị cho Asiad năm 2018 khi Việt Nam đăng cai tổ chức.
Các sự kiện đáng chú ý của Thể thao Việt Nam năm 2014
1. Đại hội thể thao châu Á
- Thời gian: Từ ngày 19/9 đến 4/10
- Địa điểm: Incheon; Hàn Quốc
2. AFF Cup 2014
- Thời gian: Chưa xác định
- Địa điểm: Vòng bảng: Việt Nam và Singaporre.
Vòng bán kết và chung kết thi đấu sân nhà - sân khách.
3. Olympic trẻ thế giới 2014
- Thời gian: Từ ngày 16/8 đến 28/8
- Địa điểm: Nam Ninh, Trung Quốc.
4. Vòng chung kết Asian Cup nữ 2014
- Thời gian: 14 đến 25/5
- Địa điểm: TPHCM
5. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - Nam Định 2014
- Thời gian: Tháng 6 năm 2014
- Địa điểm: Nam Định
6. Vòng chung kết Giải vô địch U-19 châu Á
- Thời gian: Tháng 8
- Địa điểm: Myanmar
7. Vòng chung kết futsal châu Á 2014
- Thời gian: 30/4 đến 11/5
- Địa điểm: TPHCM
|
Hoàng Hà