Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thanh Hóa về tập trung thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch; cụ thể hóa nội dung bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, ngành Du lịch 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2023. Hội nghị với chủ đề “Ba địa phương – Một điểm đến – Nhiều trải nghiệm”, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho chuỗi các sự kiện trải dài trong năm 2023. Sự kiện cũng là dịp để các đơn vị quản lý, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, đối thoại, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chào bán, thu hút khách du lịch.
Năm 2022, ngành Du lịch Thanh Hóa đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch năm 2022. Có được kết quả này là nhờ sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt các điều kiện đón và phục vụ khách du lịch, đồng thời triển khai hiệu quả, sáng tạo các chương trình kích cầu du lịch ngay sau khi du lịch được mở cửa trở lại. 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách du lịch ước đạt 1.457.000 lượt, tăng 30,7% so với cùng kỳ 2022. Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng nhận định, năm 2022 được đánh giá là năm bùng nổ về khách du lịch, với những con số hết sức ấn tượng, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19. Kết quả này, minh chứng cho việc triển khai kích cầu thành công của ngành Du lịch.
“Nhằm phát huy kết quả đạt được, kế thừa những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm của năm 2022, ngành Du lịch 3 tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến Du lịch để kết nối, tương tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngành Du lịch 3 tỉnh kỳ vọng đưa hình ảnh du lịch, nét đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh đến gần hơn với du khách thông qua việc giới thiệu những tiềm năng du lịch, các sản phẩm, dịch vụ mới, các sự kiện VHTTDL tiêu biểu, đặc sắc trong năm 2023 của các địa phương. Qua đó, mong muốn các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ 3 tỉnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng, khai thác kết nối các tour tuyến du lịch để chào bán cho du khách trong và ngoài nước” - Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: “Năm 2023, Thanh Hóa phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch 12 triệu lượt khách du lịch. Trong khi vẫn còn đó những khó khăn, thách thức đối với ngành Du lịch, sự liên kết, đồng hành vẫn luôn là giải pháp hiệu quả để 3 tỉnh cùng đi xa. Sự liên kết đó là một khối tổng thể, hài hòa giữa cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp và các đơn vị truyền thông”.
Tại Hội nghị, 3 tỉnh cũng giới thiệu, công bố các sản phẩm mới, các sự kiện VHTTDL tiêu biểu trong năm 2023; tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng công bố Đại sứ Du lịch Thanh Hóa nhiệm kỳ 2022-2024 – Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà; đồng thời, tổ chức đoàn báo chí, doanh nghiệp khảo sát các khu, điểm du lịch Thanh Hóa nhằm cung cấp thêm thông tin về điểm đến và dịch vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị Xúc tiến Du lịch 3 địa phương, thể hiện sự quyết tâm, năng động của du lịch 3 tỉnh nhằm kết nối thế mạnh từng địa phương, xây dựng chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh, cùng nhau phát triển. Tổng cục trưởng kỳ vọng Hội nghị sẽ mang đến những thông tin hữu ích, những sản phẩm du lịch mới và những chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, đón đầu kỳ nghỉ lễ dài giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 01/5 và đặc biệt là mùa du lịch hè năm 2023.
Tổng cục trưởng nhận định, năm 2022 được xem là điểm nhấn, là điểm khởi động cho sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam khi đón và phục vụ hơn 101 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quóc tế. Đến với năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam được kỳ vọng càng lớn hơn với mong muốn năm nay sẽ là cơ hội đột phá cho sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành. Mục tiêu được đặt ra là tập trung đẩy mạnh hoạt động thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế của du lịch nội địa. Trong năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam sẽ phấn đấu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở tình hình thực tế, để Hội nghị mang lại những thành quả tốt nhất, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, chung tay cùng TCDL tiến tới mục tiêu đã đặt ra cho năm 2023, Tổng cục trưởng đề nghị địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đến một số vấn đề:
Một là, quan tâm, phối hợp để liên kết đi vào thực chất, hiệu quả, thường xuyên tổ chức các nhóm công tác phối hợp chia sẻ, nắm bắt tình hình sản phẩm, khách hàng, quảng bá xúc tiến nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi tỉnh, tạo nên cụm điểm đến Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và lợi thế tài nguyên tự nhiên với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
Hai là nghiên cứu, đánh giá và cơ cấu lại thị trường cũng như đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế để từ đó dựa trên thế mạnh của từng địa phương xây dựng các chuỗi sản phẩm đa dạng, có sức cạnh tranh cao, thu hút khách dòng du lịch cao cấp, có mức chi tiêu tốt và lưu trú dài ngày. Quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố “xanh”, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch là trung tâm”.
Bà là tăng cường liên kết, hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá và thu hút khách: phát huy hiệu quả liên kết khu vực Bắc Trung Bộ và liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước. Phối hợp với Tổng cục Du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách.
Bốn là có các giải pháp thiết thực và hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thu hút lại nguồn nhân lực có kinh nghiệm trước đây làm việc trong lĩnh vực du lịch nhưng do dịch COVID-19 mà chuyển đổi qua lĩnh vực, ngành nghề khác. Lực lượng lao động này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong thời gian sớm nhất. Song song với đó là tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Năm là nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến qua việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn. Ba tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch nhất là vào mùa cao điểm du lịch nội địa; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, góp phần nâng cao các nhóm chỉ số về y tế và vệ sinh, môi trường kinh doanh du lịch của điểm đến.
Thanh Hoàng