Dinh Độc Lập được xây dựng trên một khuôn viên rộng 12ha. Phía trước có công viên 30 – 4, phía sau có công viên văn hóa Tao Đàn. Trong khuôn viên có số lượng cây cổ thụ với nhiều chủng loại khác nhau từ thời Pháp còn để lại. Khi người Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Bộ, họ đã chọn khuôn viên này để xây dựng một dinh thự cho Thống đốc Nam Kỳ. Hiện nay, dấu tích của dinh thự còn rất ít, chỉ có ngôi nhà trắng hiện nay tại vị trí của cổng 106 Nguyễn Du và nhà Bát giác trên đồi cao nơi hóng gió của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Khách tham quan có thể dạo quanh khu vườn bằng xe điện có thuyết minh từng chi tiết. Đây là một dịch vụ mới của di tích nhằm phục vụ du khách được tốt hơn với những người ưa tìm hiểu về kiến trúc.
Công trình được thiết kế bởi Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt Khôi nguyên giải La Mã về kiến trúc do Viện Hàn lâm khoa học Pháp trao tặng năm 1955. Ý tưởng thiết kế công trình theo các chữ Hán được ông lồng ghép vào làm tăng thêm ý nghĩa phương Đông của công trình bên cạnh sự hiện đại của betông cốt thép mà ông được học từ người phương Tây. Du khách tới đây luôn tự hào vì công trình do người Việt Nam thiết kế và xây dựng với ý nghĩa cầu mong cho thịnh vượng, vững bền mãi mãi. Với sự bố trí khá hợp lý của các khu vực họp lớn và dạ tiệc ở lầu 1; lầu 2 là khu vực làm việc, tiếp khách, và nơi sinh hoạt của gia đình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; lầu 3 là nơi vui chơi giải trí, đọc sách, xem phim, đánh bài; khu vực lầu 4 là nơi khiêu vũ cho các buổi tiệc. Cuối cùng là tầng hầm quy mô kiên cố, betông cốt thép và hệ thống các phòng ốc, bản đồ trang thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ để điều hành chiến tranh.
Dinh Độc Lập nhìn từ phía sau
Đặc biệt, trong dinh thự hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật. Trong phòng đại yến có bức tranh sơn dầu của chính kiến trúc sư Ngô Viết Thụ hoàn thành năm 1966. Với đề tài Sơn hà cẩm tú, bức tranh miêu tả phong cảnh đất nước Việt Nam. Bức tranh màu nước Việt Nam quốc tổ trong phòng Khánh tiết của họa sỹ Trọng Nội; rồi bức tranh Bình Ngô Đại cáo của họa sỹ Nguyễn Văn Minh miêu tả cảnh thanh bình của non sông gấm vóc đất nước ta ở thế kỷ 15 sau khi vua Lê Lợi lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân Minh xâm lược. Hiện nay, trong di tích còn lưu giữ được hai bức tranh sơn mài quý của họa sỹ Nguyễn Gia Trí với đề tài Hoa sen và Kê cúc. Hàng chục các bình gốm cổ của Trung Hoa từ thời Minh – Thanh với những đề tài trang trí vô cùng phong phú như chiếc bình bách thọ (trăm chữ thọ, cặp bình Bát tiên quá hải hay Văn Vương chầu Khương Thượng)…
Hiện vật trưng bày ngoài trời hiện nay là xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 và máy bay F5E gắn với sự kiện trung úy Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập ngày 8/4/1975. Tuy đây chỉ là những hiện vật đồng dạng đồng thời nhưng cũng làm cho dinh thự có sức thu hút với khách tham quan bởi yếu tố lịch sử của nó. Chính sự kiện lịch sử này đã làm cho dinh thự trở thành di tích quốc gia đặc biệt duy nhất tại khu vực Nam Bộ.
Lượng khách tham quan dinh Độc Lập ngày càng tăng theo từng năm. Từ việc phục vụ khách tham quan trong nước tới người nước ngoài. Tất cả dường như có một quan niệm: Đến TP. Hồ Chí Minh mà chưa thăm dinh Độc Lập là coi như chưa tới. Chính vì vậy, theo số liệu được cung cấp từ Ban Giám đốc dinh: lượng khách tăng hẳn từ năm nay qua năm khác và xu hướng sẽ ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, doanh thu từ vé tham quan của di tích là gần 12 tỷ thì năm 2011 doanh thu tham quan là hơn 23 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc miễn giảm vé cho các đối tượng chính sách, các đoàn thể với hàng ngàn lượt người.
Đến tham quan dinh Độc Lập – di tích quốc gia đặc biệt chính là trở về với cội nguồn, nơi ghi dấu chiến công lịch sử của nhân dân ta. Mở ra cho chúng ta một thời kỳ mới: độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đến đây để thấy tự hào là người Việt Nam, đi tham quan một công trình kiến trúc đẹp có giá trị về lịch sử và văn hóa của TP. Hồ Chí Minh.
Vũ Nhật Tân