PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG KIẾN NGHỊ TỪ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH
Vấn đề 1. Môi trường du lịch
Điều 9 của Luật Du lịch có quy định:
1. Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn cần được bảo vệ, tôn tạo và phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương.
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình.
5. Khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam”.
Nhưng trong thực tế, vấn đề này còn nhiều vấn đề nổi cộm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Du lịch Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung. Đó là: môi trường tự nhiên bị xâm hại do vứt rác bừa bãi, việc xử lý nước thải, công trình vệ sinh công cộng… Môi trường xã hội rất nhiều vấn đề như: chèo kéo khách mua hàng hóa và dịch vụ, nâng giá, lừa dối, bắt chẹt khách, ăn xin, ăn cắp đồ của khách…, gây bức xúc không chỉ cho khách mà cả xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thành lập lực lượng “Cảnh sát Du lịch” nhằm bảo vệ khách du lịch hoặc nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương…
Luật Du lịch đã quy định, nhưng việc thực thi trong thực tế chưa tốt. Vậy, cần sửa đổi, bổ sung như thế nào để hạn chế những vấn đề trên cho du lịch phát triển bền vững.
(Còn nữa)
Minh Thu