Thái Nguyên áp dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm, nâng cao thương hiệu trà
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng, cơ hội, tiềm năng để phát triển sản phẩm từ cây chè Thái Nguyên rất lớn. Từ khai thác phát triển thành các dòng sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Trà Thái đến tạo sinh kế cho người dân phát triển vùng nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, vận dụng khai thác phát triển các sản phẩm du lịch bền vững. Đặc biệt thực hiện đúng mục tiêu chiến lược kinh tế của địa phương cũng như chương trình OCOP… Hiện, đã có một số doanh nghiệp phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên thành trà matcha, tinh dầu trà, dược phẩm làm đẹp từ nguyên liệu chè… các sản phẩm đã được xuất sang Mỹ và châu Âu… và đem lại hiệu ứng tốt về giá trị kinh tế, thương hiệu.
Chia sẻ về định hướng phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, ông Lượng cho biết, Thái Nguyên được biết đến với danh xưng “Đệ nhất danh trà”, nói đến trà Thái Nguyên, rất nhiều quốc gia biết đến. Thái Nguyên cũng rất coi trọng thương hiệu chè và phát triển cây chè. Điều này được thể hiện thông qua các chiến lược, Nghị quyết của tỉnh khi xác định chè là cây chủ lực, cây nông nghiệp mũi nhọn trong phát triển kinh tế, và các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên. Hiện, Thái Nguyên có trên 22 ngàn ha chè, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 Thái Nguyên sẽ phát triển lên hơn 25 ngàn ha chè. Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Thái Nguyên đã ban hành hàng loạt các chính sách về giống, chế biến… nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên.
Tuy nhiên, sản phẩm chè Thái Nguyên mới chỉ dừng lại ở góc độ sản xuất và chế biến trà xanh, chế biến tinh và chế biến sâu chưa nhiều. Đặc biệt, chưa đa đạng sản phẩm từ chè để làm quà tặng tiện lợi cho du khách khi đến với Thái Nguyên. Theo thống kê cho thấy, 1ha chè xanh đem lại doanh thu khoảng 150-200 triệu/ha nhưng nếu được chế biến và nâng thương hiệu lên sẽ có doanh thu 500-700 triệu/ha. Nếu có chế biến sâu hơn nữa thì giá trị của chè Thái Nguyên sẽ được nâng lên rất là nhiều.
Cũng theo ông Lượng, bên cạnh thúc đẩy mở rộng diện tích, phát triển sản xuất, Thái Nguyên cũng rất coi trọng ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, chế biến. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KHCN tăng cường các đề tài khoa học, nghiên cứu để có chế biến sâu về các sản phẩm chè. Thực hiện chỉ đạo này, Sở KHCN Thái Nguyên đã phối hợp với Tập đoàn VGreen thực hiện đề tài nghiên cứu “Sản xuất trà lên men Kombucha từ chè Thái Nguyên”. Kết quả là đã ra đời dòng sản phẩm trà Vkombucha. Đây là thành công bước đầu trong chế biến trà chuyên sâu, cũng là niềm vui đối với thương hiệu trà Thái Nguyên.
Chủ nhiệm đề tài Trần Thanh Việt (Chủ tịch HĐQT VGreen Group) chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra hoạt chất Theanin có hàm lượng cao trong trà Thái Nguyên giúp giảm căng thẳng, bảo vệ não và tim… “Chè trồng tại các địa phương khác hàm lượng theanim ở mức thấp hơn trà Thái Nguyên 30-40 lần. Đến thời điểm hiện tại, thương hiệu trà Vkombucha Thái Nguyên đã phát triển thành 15 loại thức uống với hương vị khác nhau. Sản phẩm đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về chất lượng từ người tiêu dùng” - Bà Trần Thanh Việt nhấn mạnh.
Nói về lợi thế của sản phẩm mới này, ông Lượng cho rằng, VGreen hợp tác với Thái Nguyên để nghiên cứu ra sản phẩm mới với tên Vkombucha gắn với thương hiệu từ chè Thái Nguyên, tức là VGreen đã được hưởng lợi từ thương hiệu chè của Thái Nguyên. Cùng với sản phẩm chè, thường hiệu chè Thái Nguyên, sản phẩm Vkombucha chắc chắn sẽ là nhãn hàng có vị thế nhất định trên thị trường, ngày một bay cao, bay xa hơn… Các doanh nghiệp cùng trí hướng phát triển sản phẩm từ cây chè nói chung, VGreen nói riêng và cộng đồng khai thác thương hiệu trà Thái Nguyên cần nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định để nâng tầm thương hiệu, chất lượng cho thương hiệu trà Thái.
“Các nhãn hàng như Vkombucha, tinh dầu từ trà, kẹo trà… sẽ là những sản phẩm đồng hành phát triển cùng với thương hiệu chè Thái Nguyên. Thái Nguyên cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành với các doanh nghiệp để cùng khai thác lợi thế của tỉnh Thái Nguyên trong phát triển sản phẩm nông nghiệp, kinh tế, du lịch… Trong đó, đẩy mạnh, ưu tiên áp dụng ứng dụng khoa học để phát triển những sản phẩm mới, đa dạng, tinh hoa hơn nữa để giá trị cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên được khai thác hiệu quả và bền vững” – ông Lượng khẳng định.
“Sự ra đời của trà lên men VKombucha với định danh “Product of Thai Nguyen” sẽ góp phần lan tỏa thương hiệu, gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao vị thế của trà Thái Nguyên ngay trong thị trường nội địa và sẵn sàng cho các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế” – bà Lê Hương, Giám đốc điều hành VGreen nói.
Được biết, dựa trên sản lượng tiêu thụ từ tháng 12/2020 tới nay cùng kết quả nghiên cứu thị trường của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, Tập đoàn VGreen đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất Vkombucha tại huyện Đồng Hỷ với công suất sản xuất 200 ngàn lít/tháng. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động từ Quý IV/2021. Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 6,000kg trà khô/tháng. Ngoài mục tiêu đáp ứng thị trường trong nước, thương hiệu đồ uống từ trà Thái Nguyên sẽ vươn ra thị trường một số nước trong khu vực. Để đáp ứng công suất của nhà máy, VGreen sẽ phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ với diện tích hơn 3ha tại Thái Nguyên. Đồng thời, đơn vị này sẽ triển khai mô hình hợp tác với các hộ dân tại vùng chè cùng đẩy mạnh trồng, chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ, bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Tổng chi phí đầu tư khoảng trên 30 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, trong kế hoạch dài hơi, VGreen còn ấp ủ dự định sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch. Cụ thể, sẽ khai thác tour kết nối các điểm đến nổi tiếng của Thái Nguyên tới vùng chè của VGreen, nhà máy chế biến Vkombucha tại huyện Đồng Hỷ, phòng trưng bày sản phẩm, trải nghiệm các hoạt động sản xuất trà… nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh các hoạt động liên quan trong phát triển du lịch của địa phương.
Đoàn Hoa