Đối với dân tộc ta, chữ hiếu được xem là một trong những thước đo phẩm chất của con người. Và một trong những cách làm tròn chữ hiếu là thờ cúng tổ tiên, ông bà chu đáo. Đây là phong tục truyền thống tốt đẹp đã được các thế hệ người Việt nối tiếp nhau gìn giữ, cho nên dù giàu hay nghèo gia đình nào cũng có bàn thờ cúng gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất, ngay chính giữa nhà. Ngày tết, con cháu “thỉnh” tổ tiên, ông bà cùng về ăn tết và báo cáo với tổ tiên, ông bà công việc của một năm qua. Vì vậy, vào dịp đầu năm mới con cháu tề tựu đông đủ và việc thờ cúng được tổ chức rất long trọng.
Theo truyền thống, đúng giao thừa, người ta đặt thức cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương tưởng niệm, khấn vái, rước ông bà về nhà cùng con cháu vui xuân đón tết. Sau khi mời tổ tiên về dự ba ngày tết với con cháu vào ngày 30 tết (hoặc ngày 29), đến ngày mùng 3 hoặc ngày khai hạ mồng bảy, là ngày cuối cùng, tiệc xuân đã mãn, con cháu lại cáo lễ để tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh. Lễ này gọi là “đưa ông bà”, lễ hóa vàng cho tổ tiên, hay lễ tạ năm mới. Các sản vật được đặt lên bàn thờ của tổ tiên gồm: bộ lư đồng được lau chùi, đánh bóng, lư hương sạch sẽ cùng với các loại bánh mứt, rượu ngon, bánh chưng, bánh tét và đặc biệt là mâm ngũ quả được xếp đặt gọn gàng, đẹp mắt đặt ở vị trí trang trọng bên cạnh chiếc bình cắm 5 bông hoa cúc tượng trưng cho “ngũ phúc”.
Theo như tên gọi, mâm ngũ quả thường có đủ 5 loại trái cây. Việc chọn các loại quả cũng có sự khác nhau theo từng vùng. Có nơi người ta dùng ý nghĩa của màu sắc để thể hiện quan niệm tốt lành trong ngày tết như: màu xanh tượng trưng cho sức sống mãnh liệt (chuối xanh), màu vàng tượng trưng cho sự ấm no (bưởi, đu đủ)… Có nơi dùng ý nghĩa tên gọi của từng loại quả để thể hiện ước vọng của mình trong ngày xuân như: hồng, quýt tượng trưng cho sự thành đạt, phật thủ tượng trưng cho sự an lành… Mâm ngũ quả thể hiện sự phong phú của hoa trái thiên nhiên, thành quả gặt hái sau một năm lao động mệt nhọc; đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, có lộc trời thì thành kính dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất…
Mâm cơm cúng bao giờ cũng có con gà luộc như lời báo cáo với ông bà tổ tiên về một năm nhiều may mắn, mọi việc đều thuận lợi và hàm ý ước vọng cho năm mới nhiều sinh sôi nảy nở, may mắn hơn năm cũ.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam đã có truyền thống lâu đời, là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, đến mức nâng lên thành đạo - đạo thờ ông bà, đạo làm con, làm cháu. Vì thế, ngày nay nhiều du khách nước ngoài thường đến thăm Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của một dân tộc giàu bản sắc.
ThS. Võ Nguyên Thông