Mỹ: Ăn má lợn cầu may
Người dân Mỹ xua đuổi những điều xui xẻo và đón may mắn bằng cách ném muối qua vai nhau, đổ hết quần áo bẩn trong giỏ đem đi giặt và không để cây thông Noel qua năm mới. Ngoài ra, rất nhiều người Mỹ sẽ ăn đậu đen hoặc đậu xanh để mong gặp điều tốt lành và rủng rỉnh tiền tiêu trong năm mới. Đặc biệt, ở phía Nam của nước Mỹ, người ta còn ăn má lợn để cầu vận may.
Nhật Bản: 108 tiếng chuông
Mọi người thường quen với việc nghe thấy 12 tiếng chuông báo hiệu thời khắc chuyển giao sang năm mới đến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng những người theo đạo Phật ở Nhật Bản không chỉ đánh 12 tiếng chuông. Theo một tục lệ có tên là Joya no Kane, người Nhật đánh tới 108 tiếng chuông. Mỗi một lần chuông ngân lên tượng trưng cho một điều xấu mà con người có thể nghĩ đến hoặc đang ấp ủ. Cùng với tiếng chuông này, những điều xấu đó sẽ tan đi, giúp thanh lọc tâm hồn con người và hướng tới những điều tốt đẹp.
Canada và Hà Lan: Lặn như gấu Bắc cực
Người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada, Hà Lan có một phong tục đón năm mới rất độc đáo mang tên “Lặn như gấu Bắc cực”, trong đó bạn phải nhảy xuống một con sông, hồ hay ao gần nhất và lạnh nhất. Bạn có thể mặc quần áo hoặc không tùy thích. Và càng nhảy xuống sát giờ giao thừa họ tin rằng càng gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, cách làm này chỉ dành cho những người có sức khỏe tốt.
Nga: Nhảy xuống hồ băng Balkan
Cũng là một phong tục tương tự như ở Canada và Hà Lan, nhưng dường như việc lặn xuống hồ Balkan ở Nga trong năm mới có vẻ nguy hiểm hơn, vì Balkan là hồ nước ngọt lớn nhất và sâu nhất thế giới. Những thợ lặn chuyên nghiệp sẽ đục một lỗ tròn trên mặt hồ lúc này đã đóng băng, sau đó lặn xuống độ sâu tới 40m. Một trong số các thợ lặn sẽ mang cây năm mới xuống đáy hồ, mang theo các thiết bị nặng tới hơn 100kg, và những thợ lặn khác sẽ nhảy múa xung quanh cái cây ấy. Họ cũng sẽ mang theo Nữ thần Băng giá và ông già Tuyết, hai nhân vật nổi tiếng trong văn hóa Nga, tượng trưng cho các lễ hội ở quốc gia này.
Nam Phi: Ném đồ đạc ra ngoài cửa sổ
Ở ngoại ô thành phố Johannesburg của Nam Phi, năm mới được đánh dấu bằng phong tục ném đồ đạc qua cửa sổ trong đêm giao thừa. Theo quan niệm của người dân nơi đây, việc làm này sẽ giúp nhà cửa trở nên sạch sẽ, sẵn sàng đón những điều tốt lành vào nhà vào năm mới. Tuy nhiên, hy vọng trước khi ném, mỗi chủ nhà đều để ý xem có ai đang đi qua cửa sổ nhà mình hay không.
Philippine: Đốt pháo hoa theo công nghệ cao
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, trước đây người dân Philippine chào đón năm mới bằng những tràng pháo nổ giòn giã. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị thương. Đó là lý do chính phủ Philippine đưa ra một giải pháp công nghệ cao cho phép dân chúng chào đón năm mới một cách rộn ràng nhưng cũng không kém phần an toàn. Bộ Y tế Philippine đã đưa tiếng pháo nổ lên trang web của mình và khuyến khích mọi người download các file âm thanh dưới dạng mp3 này xuống một cách miễn phí và bật lên thật to trong đêm giao thừa. Đây là một biện pháp khá hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và nên được áp dụng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Mexico: Ăn nho trong vòng 12 tiếng chuông đồng hồ
Người Mexico đón năm mới bằng cách vừa ăn nho trong vòng 12 tiếng chuông đồng hồ đếm ngược thời khắc giao thừa, vừa cầu nguyện. Họ trang trí nhà cửa theo màu sắc đại diện cho những nguyện ước của họ : màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, màu vàng tượng trưng cho phước lành, với mong muốn cải thiện điều kiện sống, màu xanh tượng trưng cho tài chính, và màu trắng tượng trưng cho sức khỏe. Họ còn lập nên một danh sách những điều xấu xảy ra trong năm cũ, trước khi bước sang năm mới, họ sẽ vứt bản danh sách đó vào đống lửa, với hy vọng năm mới loại bỏ hết những điều không may mắn ấy.
Pháp: Trao nhau những nụ hôn và lời chúc
Tại Pháp, đêm giao thừa được tổ chức với một bữa tiệc, bao gồm các món ăn đặc biệt như: gan ngỗng, hàu và rượu sâm banh. Vào ngày đầu tiên của năm mới, họ trao cho nhau những nụ hôn, những lời chúc. Một số người thì ăn kem.
Đức: Chạm vào người làm nghề cạo ống khói
Theo truyền thống, người Đức sẽ chạm vào người làm nghề cạo ống khói hoặc nhờ người đó bôi tro lên trán của mình để cầu mong sức khỏe và may mắn. Mọi người sẽ đi thăm hàng xóm của mình và chúc tụng nhau những lời tốt đẹp cho năm mới. Họ sẽ ăn một loại đồ ăn đặc biệt, gần giống như một chiếc bánh, nhưng bao gồm mật đường đen và syrup đen, với xúc xích và thịt xông khói ở giữa nhân bánh.
Thổ Nhĩ Kỳ: Trang trí cây thông Noel
Nhà cửa và đường phố được thắp sáng bởi những ánh đèn. Họ tặng nhau những món quà, ăn tối cùng nhau. Trang trí cây thông Noel rất phổ biến ở lễ đón năm mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông già Noel cũng góp mặt tại thời điểm này thay vì lễ Giáng sinh. Các thành phố lớn tổ chức các buổi gây quỹ cho người nghèo, bên cạnh các buổi hòa nhạc. Những buổi tiệc được tổ chức tại các thành phố và thị trấn lớn như: Istanbul, Ankara, Izmir…
Chile: Ăn tối với các món ăn đặc biệt
Lễ kỷ niệm đêm giao thừa của năm mới ở Chile bao gồm một bữa ăn tối gia đình với các món ăn đặc biệt, thường bao gồm đậu lăng, và mười hai trái nho tượng trưng cho mỗi tháng trong năm. Lễ kỷ niệm gia đình thường kéo dài đến nửa đêm, sau đó tiếp tục với các bữa tiệc cùng với bạn bè đến chiều tối. Tại thủ đô Santiago của Chile, hàng ngàn người tập trung tại tháp Entel để xem đếm ngược đến nửa đêm và bắn pháo hoa. Một số người đi du lịch đến đảo Phục sinh, ngoài khơi bờ biển Chile, để đón năm mới.
Gia Huy – Mỹ Linh
(Tạp chí Du lịch)