Năm nào cũng vậy, khi những nụ hoa mơ, hoa mận hé khỏi nụ trong e ấp trước gió đông, xòe những cánh hoa trắng muốt đón nắng xuân về trên khắp nẻo núi rừng Tây bắc. Khi những cánh hoa đào bớt nhạt, bừng lên sắc hồng dưới nắng. Ấy là thời khắc đông qua, xuân đến. Người dân tộc Mông ở bản Pa Khen (Mộc Châu) lại rộn ràng không khí tết. Những chàng trai, cô gái xúng xính váy áo, những dứa trẻ ríu rít dắt nhau, người già người trẻ cùng đổ về những khu đất rộng nhất trong bản, dưới mầu trắng cua hoa mơ, hoa mận và xắc hồng bạc, phơn phớt như vẫn còn ngấm lạnh mùa đông chưa tan hẳn trên những cánh hoa đào, họ cùng vui hội ngày xuân.
Tết của người Mông ở Mộc Châu được tổ chức trước Tết Nguyên đán một tháng. Thời gian Tết Mông diễn ra trong ba ngày đầu tháng Chạp, nhưng không khí Tết thì kéo dài cả tháng trời. Vào những ngày này, trên khắp các bản làng người Mông tràn ngập bầu không khí Tết, tiếng sáo tiếng khèn dập dìu khắp núi đồi…
Cũng như truyền thống của nhiều dân tộc khác trên cả nước, mấy ngày trước Tết người Mông dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Ngày 30 trước thềm năm mới, mỗi gia đình sẽ dùng một con lợn và gà sống cúng ma nhà (tổ tiên). Sau đó, họ sẽ giết gà để cúng tế rối lấy lông gà đính lên các mảnh giấy hình răng cưa cắt sẵn, dán lên các đồ vật trong nhà, dán nên kèo nhà, cột trụ và phía trên cửa chính để xua đuổi tà ma. Người Mông quan niệm đồ vật cũng có linh hồn nên ngày tết, người được nghỉ ngơi vui hội, các đồ vật, công cụ lao động cũng được nghỉ ngơi. Bởi vậy, tất cả vật dụng, công cụ trong nhà sẽ được đặt gần bàn thờ tổ tiên cho được nghỉ ngơi sau một năm "làm lụng vất vả". Sau khi cúng tế xong, cả gia đình quây quần cùng nhau ăn thịt lợn uống rượu ngô và cùng mời tổ tiên về ăn cùng bữa cơm lúc giao thừa.
Ngày mùng một tết, trên khắp các sườn núi, triền đồi. Một màu trắng tinh khôi hoa mơ, hoa mận điểm xuyến thêm sắc hồng tươi phơn phớt của những cánh đào rừng. Dân bản Pa Khen đổ về khu đất rộng dưới thung. Những trờ chơi truyền thống của người Mông diễn ra sôi nổi, rộn ràng trong không khí ấm áp, tươi tắn của ngày xuân.
Dưới rừng hoa trắng, những đôi trai gái đắm mình trong điệu kèn môi, điệu khèn dìu dặt mà da diết.
Hội Tung Còn ở chính giữa khu đất là tâm điểm của cả bản, nơi người già, người trẻ ai ai cũng có thể tham gia. Giữa sân dựng lên một cây sào cao tầm 5,6 m, phía trên có một vòng tròn đường kính khoảng 50 – 60cm có dán giấy 2 bên. Trai gái bắt đầu tung còn, người tung khéo phải làm sao cho còn vừa qua lỗ mà không làm rách giấy. Chàng trai nào tung khéo sẽ được đón nhận sự yêu mến và thán phục của cả làng và cả ánh mắt trìu mến của những cô gái trong làng.
Thanh niên trai gái còn lẻ đôi thì cùng chơi ném Đàu Pao (PaPao, Lải Pao). Trò chơi với trái Pao như chiếc cầu nối tình yêu trai gái. Ban đầu Pao tung thật chậm, rồi khi đã say sưa thì bay vun vút, tay chụp tay chuyền bởi những bàn tay khéo léo, những trái Pao sặc sỡ tung lên trời xanh mang theo tâm tình của những đôi trai gái gửi gắm cho nhau:
Anh ném pao
Em không bắt
Em không yêu
Quả pao rơi rồi
Nào em có tình, nào anh có tình thì đừng để pao rơi xuống đất
Quả pao anh nem, quả pao em ném, đem cả lòng mình cho nhau
Mắt không dời mắt, tay không ngừng tay, mà bao cuộc tình đã nói…”.
Vũ Thanh
Nguồn: Tạp chí Du lịch