
Ở một số vùng như Bắc Kạn, ngoài bánh chưng, bánh dày, bánh khảo còn có bánh gio. Người ta đốt lá cây sau sau (cây thuộc họ sồi) lấy tro hòa nước, gạn trong rồi đổ gạo nếp vào ngâm. Bánh gói xong được hấp cho đến khi trong suốt như hổ phách, khi ăn chấm đường, hoặc nước mật, rất được ưa thích vì nó cho cảm giác mát và rất lợi cho tiêu hóa. Nhà khá giả nhất định không thiếu được hai loại bánh làm công phu là pẻng phạ - bánh trời). Khẩu shi (bánh bỏng) trông bên ngoài giống như bỏng ngô ép mật dưới xuôi nhưng hương vị thì đặc biệt hơn rất nhiều. Loại bánh này làm đơn giản nhưng cũng thuộc loại không phải ai cũng có. Rồi chà lam (tựa bánh dẻo), các loại mứt, rất nhiều mứt, nổi tiếng nhất là mứt mận Bác Kạn, trông như miếng hổ phách, ăn một lần khó mà không trở lại đúng cái nơi làm ra nó để được ăn lần hai. Cuối cùng mới đến bánh rán.
Xúng xàng (lạp xường) là món để dành ra giêng mới ăn. Không giống lạp xường vẫn treo lủng lẳng ở các cửa hiệu dưới xuôi, xúng xàng có thể to bằng cổ tay, nguyên liệu, hương vị hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu lấy từ rừng Cao Bằng như mắc mật, mắc khén, đinh hương… rất hấp dẫn, lại lành bụng, là món ăn thuộc loại đặc sản.
Tết của người Tày - Nùng thực sự bắt đầu bằng bữa cơm giải xúi chiều 30 (nhiều nơi coi đây là lễ tất niên như người Kinh). Món chính của bữa này là thịt vịt (con vật xúi quẩy). Thông thường người ta mua vịt sống về tự chế biến theo sở thích. Cũng có nhà đặt sẵn từ hôm trước một con vịt quay. Giống như quan niệm của người Kinh cho rằng con vịt là con vật xúi quẩy nhưng khác người Kinh tìm cách tránh nó trong những dịp Lễ tết, người Tày - Nùng chọn ăn thịt vịt vào cuối năm, nghĩa là chấp nhận xúi quẩy. Bởi vì cho dù xúi đến mức không còn gì xúi hơn được nữa thì cũng đã năm cùng tháng tận, hết năm lại sang vận mới và mọi rủi ro của năm cũ đều qua đi.
Đúng giao thừa, mọi nhà đều thắp hương và mở toang cửa để lộc ùa vào. Hương thắp trên bàn thờ có bày quả, bánh và hai cây vạn niên. Ngoài ra hương còn được thắp trong bếp, ngoài cửa. Nhưng khác với người Kinh, người Tày - Nùng chỉ thắp hương mà không khấn. Có thể họ cho rằng mọi lời nói có âm thanh đều giảm đi sự thành kính. Tổ tiên, ông bà… đã nhập vào họ, cùng ăn tết với họ, việc gì còn phải nói thành lời? Đêm ba mươi, đêm mồng một không được đốt lửa ngoài đường và đây có thể coi là điều cấm kỵ.
Ngày đầu năm hầu như người ta không ra khỏi nhà. Xông đất và mọi giao tiếp khác đều chờ sang mồng Hai. Những chàng rể mới phải lo đi tái bố mẹ vợ. Đồ lễ là các loại bánh trái, một đôi gà đủ sống - mái. Có nơi (phong tục xưa còn lưu lại) đồ lễ có thể tới 120 đôi bánh chưng, 120 đôi bánh dày. Có nơi nhất thiết phải có miếng thịt cheo cắt suốt chiều dài con lợn. Rể già thủ tục có phần xuề xòa hơn nhưng không được sơ suất. Vật quan trọng nhất là một con gà thiến. Ngày này ra đường, thấy tấp nập vợ chồng con cái đèo nhau, kèm theo lủng lẳng một con gà nhốt trong giọ kêu váng khắp đường ngang ngõ tắt, rất vui và ấm áp.
Thông thường người Tày - Nùng tiễn các cụ vào mồng ba tết bằng lễ hóa vàng, như tục dưới xuôi. Nhưng ở dưới xuôi, sau ngày tiễn các cụ là bắt đầu công việc của năm mới: Nông dân thì xuống đồng, người buôn bán ra chợ…, còn với người Tày-Nùng thì công việc quan trọng nhất tiếp theo là chuẩn bị để ăn Tết lại vào rằm tháng Giêng. Lại mổ lợn, gói bánh… y hệt tết chính. Ngày ba mươi tháng giêng là Tết Đáp Nọi, rất được quan tâm. Có nơi người ta còn tổ chức đón Giao thừa lại. Loại thức ăn ưa chuộng của tết này là pẻng đắp nặm (một loại bánh trôi mặn).
Suốt ròng rã cả tháng sau Tết Nguyên đán, người ta chỉ ăn với chơi hoặc đi hội. Đàn ông thì uống rượu, chơi phỏm, chơi lảy cỏ (một trò chơi đi kèm rượu). Đàn bà đi làm lấy ngày rồi túi bụi với đủ thứ bánh trái.
Như đã nói, người Tày - Nùng rất tự trọng và mến khách (nhất là khách ở xa), vì thế bạn không bao giờ nên ra khỏi nhà của họ vào những ngày Tết mà chưa uống cạn một vài chén rượu men lá với gia chủ. Rượu có nồng độ vừa phải, thơm mùi rừng núi, là thứ nước uống chính suốt cả tháng trời.
Tạ Duy Anh