
Chợ nổi hoa kiểng mùa Tết
Mới hơn 5 giờ sáng, sương sớm hãy còn lạnh buốt mà cả một khúc sông trước chợ Phong Điền và những khu chợ nổi khác, xuồng ghe đã chen kín, một số neo đậu lẻ tẻ, một số kết lại thành chùm năm bảy chiếc, chòng chành theo nhịp sóng vỗ dập dềnh hòa cùng với tiếng dầm khua nước lanh tanh, tạo nên một âm vang nhịp nhàng và sâu lắng. Trên bến người khuân kẻ vác, dưới ghe rộn rã tiếng cười, tiếng nói huyên thuyên của người mua kẻ bán khiến cho chợ nổi trở nên rộn ràng, tất bật không thua gì chợ họp trên bờ.
Đặc biệt mùa Tết, ngoài trái cây, dưa hấu, dân buôn chuyến còn chở hoa kiểng tấp nập trên các dòng sông từ Sa Đéc, Cái Mơn tỏa đi các nơi tạo cho dòng sông bến nước trở nên lung linh và rực rỡ sắc màu.
Chợ nổi miền Tây thường là nơi giao lưu của các ngã ba, ngã tư sông rạch, là trục lộ giao thông thủy, bộ đồng thời là trung tâm của những vườn cây trái trù phú và ruộng rẫy phì nhiêu hoặc là nơi tiếp giáp giữa hai dòng mặn ngọt để các ghe hàng, xuồng hàng dễ trao đổi sản vật.
Chợ nổi miền Tây là linh hồn của các phố thị miền sông nước.
“Phong Điền chợ nổi ven sông.
Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên hai mươi chợ nổi, trong đó, Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cồn Tròn (Tiền Giang), Chợ Thơm (Bến Tre), Cà Mau... là những chợ nổi được nhiều du khách biết đến. Đặc biệt, chợ nổi Cái Răng lại là đầu mối giao lưu lớn nhất của khu vực, tập trung đủ các loại trái cây và là nơi hội tụ của nhiều dòng sông từ các nơi đổ về, mỗi ngày có đến hàng trăm thương hồ tấp nập ngược xuôi, hàng hóa bày bán phong phú.
Cách “rao hàng” của chợ nổi thật lý thú, ai bán món gì thì treo món ấy lên đầu sào cắm ở mũi ghe, gọi là “bẹo” để làm ám hiệu. Có những ghe “bẹo” cùng lúc tới năm sáu mặt hàng như chuối, dừa khô, bắp cải, bí, dưa hấu…
Thường những ngày Tết, các chủ ghe hò hẹn cho ghe xuồng đậu sát bên nhau, mui ghe nào rộng rãi sẽ là điểm tụ họp của những người thích nhậu. Cuộc chuẩn bị đón tết của dân sông nước rôm rả không khác gì trên bờ, cũng bánh trái, rượu thịt sum vầy. Mấy bà nội trợ bên kia thuyền thò đầu qua bên nay thuyền râm ran chuyện bếp núc, mua sắm, cùng nhau chia sẻ những món ngon vật lạ.
Từ xa xưa, chợ nổi đã mang dấu ấn văn hóa của một vùng sông nước. Dẫu mai này, các siêu thị đua nhau mọc lên khắp mọi miền nhưng chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại cùng với cuộc sống của người dân nơi đây.
Trên bước đường ngược xuôi kiếm sống, khách thương hồ cứ bồng bềnh hết chỗ này tới chỗ khác, có khi len lỏi vào tận các xẻo rạch để gom hàng rồi chiều lại quay về chợ nổi ngủ đêm để sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình cứ như thế mãi mãi.
Hoài Phương