Tết cổ truyền ở Hàn Quốc
Thứ bảy, 11/02/2006 | 14:09 GMT+7
Ngày Tết âm lịch của người Hàn Quốc gọi là Seol. Ngày 30 Tết, mọi người lo dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Đêm giao thừa không ai ngủ vì mọi người tin rằng, nếu ngủ thì sáng hôm sau thức dậy lông mi sẽ bạc trắng, cho nên ai cũng ráng thức để đón năm mới với đôi mắt tỉnh táo và đầu óc minh mẫn. Sáng sớm mồng một, cả nhà mặc quần áo cổ truyền, uống rượu “Gui balli sool” để có thính giác tinh nhạy.
Tiếp đến, mọi người làm lễ cúng tổ tiên gọi là “Chesa” (người con trai trưởng đứng ra làm nghi lễ này, những người con khác đến tham dự). Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày theo thứ tự nhất định trên mặt bàn ở giữa nhà. Trên đó cũng đặt các tấm bài vị tổ tiên viết trên giấy (sẽ đốt đi sau khi cúng). Người chủ gia đình thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà đều bái lạy làm lễ. Sau lễ Chesa là đến lễ Seba, con cái vái lạy chúc mừng ông bà, cha mẹ. Cả gia đình cùng nhau thưởng thức những thức ăn đã cúng; sau đó đi chúc Tết hàng xóm, người thân rồi đi thăm mộ tổ tiên.
Đón chào năm mới, nhà nào cũng treo “bok jo ri” ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Treo vật này ngoài cửa là thể hiện sự mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm. Trước đây, ở Hàn Quốc còn có người đi bán rong “bok jo ri” vào sáng mồng một. Họ được coi là người đem lại sự may mắn cho năm mới. Ai gọi được người bán hàng rong “bok jo ri” vào nhà càng sớm thì sẽ được nhiều lộc. Ngày nay, không còn những người bán hàng rong như thế nữa. “Bok jo ri” được mua ở cửa hàng từ trước Tết.
Một trò chơi truyền thống trong những ngày Tết của người Hàn Quốc là trò “Yut”. Trò chơi này giống như trò chơi cá ngựa ở Việt Nam với một bàn cờ và bốn cây xúc xắc làm từ tre, mặt dưới chuốt phẳng, mặt trên để cong, có khắc chữ. Khi tung 4 cây rơi xuống đất, nếu có một que lộn mặt phẳng lên trên thì “lợn”, đi một bước, hai mặt phẳng “chó”, đi hai bước, ba mặt phẳng lên trên “cừu” đi ba bước, bốn mặt phẳng “bò” đi bốn bước. Nếu tất cả các cây xúc xắc lộn mặt cong lên trên là ngựa đi năm bước. Cứ như thế, ai về đích trước thì thắng.
Những ngày đầu năm mới, mọi người đều nói với nhau, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, ăn thật nhiều thức ăn ngon để quanh năm cũng được như vậy. Cũng giống như ở Việt Nam, sự hoà thuận, yêu thương trong gia đình là điều quan trọng nhất khi đón mừng năm mới. /.
MINH ĐẠT