Sự hấp dẫn của du lịch sinh thái tự nhiên có nhiều yếu tố, trong đó hoa là một yếu tố đặc biệt quan trọng không thể thiếu bởi hoa là kết tinh của các giá trị thiên nhiên. Từ ngàn đời nay, hoa là biểu trưng cho những giá trị tinh khiết tự nhiên, của tình yêu và đã không thể thiếu trong đời sống của mỗi con người. Chính nhu cầu rất tự nhiên này của con người đã thúc đẩy du lịch hoa (Flower tourism) - một loại hình du lịch đầy hứa hẹn - phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Du lịch hoa là một loại hình du lịch tự nhiên, du khách được tạo điều kiện để cảm nhận giá trị cũng như tìm hiểu, nghiên cứu những bí ẩn của các loài hoa trong thiên nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế du lịch hoa không chỉ nhắm tới giá trị các loài hoa trong tự nhiên mà còn được hiểu theo nghĩa rộng với các công viên hoa chuyên đề, các làng hoa cây cảnh truyền thống đặc trưng cho mỗi quốc gia, mỗi vùng miền nơi có các đặc trưng địa lý khác nhau.
Hình ảnh của nhiều nước trên thế giới từ lâu đã gắn liền với một loài hoa và đó cũng là biểu tượng thu hút khách du lịch. Nhật Bản được thế giới biết đến với hoa anh đào; hoa hồng rực rỡ lại là biểu tượng của đất nước Bungary; còn Hà Lan được biết đến như xứ sở của hoa tulip; hoa sứ là biểu trưng của đất nước Lào… Việt Nam được biết đến như xứ sở của loài hoa sen thơm ngát "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, thu hẹp dần khoảng cách về phát triển du lịch với các nước trong khu vực. Nếu như năm 2004, Du lịch Việt Nam đón được trên 2, 9 triệu lượt khách quốc tế và trên 14, 5 triệu lượt khách du lịch nội địa với thu nhập du lịch trên 1, 5 tỷ USD thì đến năm 2005 đã đón được 3, 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế và trên 16, 1 triệu lượt khách du lịch nội địa với thu nhập du lịch ước đạt 30.000 tỷ đồng. Với thời gian, Du lịch Việt Nam đã dần khẳng định được vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong sự phát triển nhanh chóng của Du lịch Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các sản phẩm du lịch tự nhiên, trong đó có du lịch hoa.
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định du lịch sinh thái là một trong những loại hình du lịch ưu tiên phát triển. Đây là sự khẳng định đối với vị trí của du lịch tự nhiên, trong đó có du lịch hoa, trong phát triển Du lịch Việt Nam.
Việt Nam là đất nước có sự đa dạng cao về các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học. Theo số liệu điều tra, hiện Việt Nam có trên 2.000 loài động vật, 7.000 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Sự đa dạng trên của các hệ sinh thái và các loài sinh vật cũng được thể hiện ở các loài hoa. Hoa ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú, trong đó ở những lãnh thổ địa lý khác nhau sẽ có những loài hoa đặc trưng khác nhau.
Vùng núi cao Tây Bắc từ lâu đã được du khách biết đến như xứ sở của hoa ban, một loài hoa rừng với màu trắng tinh khiết nở rộ mỗi độ xuân về. Du khách chắc sẽ khó quên được cảm giác ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của rừng hoa ban khi có dịp lên với các tỉnh Tây Bắc vào mùa hoa ban nở. Khác với vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng vào dịp xuân về lại rực rỡ trong sắc hoa đào, còn vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long lại được biết đến với những cánh đồng hoa sen…
Không chỉ các vùng địa lý khác nhau được đặc trưng bởi những loài hoa khác nhau mà nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam cũng được du khách biết đến với biểu tượng của những loài hoa khác nhau: Hà Nội với hoa sữa, Hải Phòng với hoa phượng đỏ, Đồng Tháp với hoa sen, Đà Lạt với hoa mimosa… Các loài hoa đặc trưng này từ lâu đã đi vào thơ ca gắn liền với địa danh của những địa phương đó.
Bên cạnh sự đa dạng của các loài hoa, ở mỗi vùng của Việt Nam đều có các làng hoa, cây cảnh truyền thống từ lâu đã không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt.
Có thể thấy sự đa dạng và đặc sắc của các loài hoa, cây cảnh Việt Nam là một dạng tiềm năng du lịch rất đặc thù, có giá trị hấp dẫn du lịch. Phát triển du lịch hoa là một hướng cụ thể trong thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam nhằm đa dạng hóa và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch phát triển du lịch ở Việt Nam thời gian qua, tiềm năng về du lịch hoa đã được đề cập, đánh giá. Nhiều đồ án quy hoạch phát triển du lịch các vùng lãnh thổ và các địa phương nơi có tiềm năng du lịch đặc thù đã đưa ra các phương án về xây dựng các công viên hoa chuyên đề; phục hồi phát triển các làng hoa, cây cảnh truyền thống; khuyến khích việc tổ chức các hội chợ hoa, lễ hội (Festival) hoa như những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Festival hoa Đà Lạt 2005 được tổ chức là một minh chứng cụ thể cho hướng phát triển du lịch hoa ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch hoa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch hoa phần lớn mới dừng lại ở những chợ hoa vào ngày lễ tết tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ở một số làng hoa, cây cảnh. Cho đến nay, Việt Nam chưa có được những sản phẩm du lịch hoa tầm cỡ quốc gia, khu vực có khả năng thu hút cao và thường xuyên khách du lịch.
Để du lịch hoa phát triển tương xứng với tiềm năng, tạo sự hấp dẫn mới cho Du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập du lịch với khu vực và quốc tế, cần thực hiện một số giải pháp:
Một là, trên cơ sở chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đã được phê duyệt, cần nghiên cứu xây dựng chiến lược cụ thể phát triển loại hình du lịch hoa. Chú trọng xây dựng và phát triển các vùng hoa, các công viên hoa bản địa chuyên đề gắn với các địa danh nổi tiếng và có truyền thống về trồng hoa.
Hai là, xây dựng những chính sách khuyến khích phục hồi và phát triển các làng hoa, cây cảnh truyền thống; các lễ hội gắn với hoa.
Ba là, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch hoa; tạo lập hình ảnh và thương hiệu sản phẩm du lịch hoa đặc thù của du lịch Việt Nam.
Bốn là, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch hoa, tiến tới tạo một hình ảnh chung về du lịch hoa cho khu vực. Một hoạt động về tổ chức Festival hoa tầm cỡ khu vực, luân phiên tại các quốc gia trong khu vực cũng cần được xem xét thực hiện để du lịch hoa trở thành một sản phẩm đặc sắc, thu hút ngày một nhiều du khách đến khu vực, trong đó có Việt Nam. /.
PGS. TS. PHẠM TRUNG LƯƠNG*
*Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – TCDL