Chương trình nhãn sinh thái của Ấn Độ
Với đặc trưng là một quốc gia đang phát triển, hoạt động sản xuất còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên, Chính phủ Ấn Độ đã nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp. Để giúp những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Ấn Độ đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế đa phương và các tổ chức quốc tế nhằm khuyến khích chuyển giao những công nghệ tiên tiến, đảm bảo mặt bền vững với môi trường. |
Chương trình cấp nhãn sinh thái của Ấn Độ có hai nhóm:
Chương trình Eco Mark do Bộ Môi trường và Lâm nghiệp tiến hành từ năm 1991. Mục tiêu của chương trình Ecomark là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng xác định được các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đó là những sản phẩm được sản xuất, sử dụng và loại bỏ theo hướng giảm đáng kể những tác động nguy hại tới môi trường.
Cách tiếp cận trong các chương trình này là tiến hành “phân tích theo vòng đời sản phẩm” (Life Cycle Assesment - LCA).
Biểu tượng của nhãn Eco Mark là một bình đất nung.
Hình 1: Nhãn sinh thái của Ấn Độ
Cơ quan quản lý hoạt động của Ecomark gồm: Bộ Môi trường và Lâm nghiệp (chịu trách nhiệm thành lập Ban Chỉ đạo nhằm xét các sản phẩm được đưa vào chương trình xét cấp nhãn, tổ chức hoạt động truyền thông quảng bá đối với các chương trình này); Ban Quản lý Trung ương về ô nhiễm (chịu trách nhiệm thành lập Ban Kỹ thuật nhằm xác định các điều kiện để cấp nhãn Eco Mark, tham khảo tiêu chuẩn của các quốc gia khác và xem xét việc đưa vào áp dụng những tiêu chuẩn đó); Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (xây dựng tiêu chuẩn cho Ấn Độ, đánh giá và cấp nhãn cho các sản phẩm, cho phép nhà sản xuất).
Chương trình Green Rating do một tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Khoa học và Môi trường (CES) khởi xướng vào năm 1999. Chương trình này áp dụng theo đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) đối với sản phẩm cũng như nhà máy sản xuất. Việc áp dụng chương trình này đầu tiên được áp dụng trong ngành sản xuất giấy.
Nguồn tài chính ban đầu của chương trình do UNDP và tổ chức hỗ trợ phát triển của Na Uy tài trợ nhưng hiện nay, nguồn kinh phí hoạt động do CES tự trang trải.
Đặc trưng cơ bản của chương trình Green Rating là các tiêu chuẩn đánh giá xây dựng riêng cho từng ngành nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường mà ngành đó phải đối mặt.
Chương trình Green Rating có sự tham gia kiểm toán môi trường của bên thứ ba nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch. Thang điểm đánh giá theo thang 100 và chỉ số tính theo thang 10.
Nguồn thông tin đánh giá thường từ hai nguồn cơ bản: tài liệu của công ty đó; dữ liệu thứ cấp sẽ được công ty nộp cho các cơ quan chức năng và hiệp hội dựa trên các cuộc kiểm tra thực địa.
Công ty tham gia vào chương trình không phải trả chi phí cho quá trình đánh giá tiêu chuẩn. Việc đạt được tiêu chuẩn Green Rating sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của công ty cũng như giúp công ty dễ dàng tiếp cận các khoản vay và ưu đãi từ các thể chế tài chính.
Quá trình thực hiện chương trình Green Rating hiện đang được áp dụng cho các công ty thuộc 4 ngành: giấy; sản xuất ôtô; sản xuất Clo và Alkali; xi-măng. Ngành sản xuất Clo và Alkali áp dụng đánh giá cơ sở sản xuất còn ngành sản xuất ôtô và xi-măng áp dụng cả đánh giá đối với sản phẩm và cơ sở sản xuất.
Chương trình Green Rating được đánh giá là thành công hơn so với Ecomark khi Green Rating đang hình thành chỉ số áp dụng cho việc đánh giá của 200 công ty hàng đầu tại Ấn Độ.
Chương trình nhãn sinh thái của Thái Lan
Chương trình nhãn sinh thái của Thái Lan được khởi xướng từ tháng 8/1994. Đây là dự án giữa Hội đồng Doanh nghiệp Bền vững Thái Lan (TBCSD) - một tổ chức thành lập vào tháng 10/1993 theo sáng kiến của một số tổng giám đốc Thái Lan và Viện Môi trường Thái Lan (Thai Environmental Institute – TEI) hợp tác với Bộ Công nghiệp và Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (Thai Industrial Standards Institute - TISI).
Chương trình nhãn sinh thái của Thái Lan có tên gọi Nhãn xanh (Green Label), là một chứng nhận về môi trường cấp cho những sản phẩm cụ thể có những tác động xấu đến môi trường ở mức tối thiểu so với những sản phẩm có cùng công dụng. Về phạm vi áp dụng, chương trình nhãn xanh Thái Lan áp dụng cho những sản phẩm và dịch vụ (không bao gồm những thực phẩm, đồ uống và dược phẩm) đạt được các tiêu chuẩn đề ra. Việc tham gia vào chương trình là tự nguyện. Tính đến năm 2007, đã có 39 nhóm sản phẩm được cấp nhãn xanh.
Hình 2: Nhãn xanh của Thái Lan
Mục đích của việc cấp nhãn xanh: cung cấp những thông tin tin cậy và hướng dẫn người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định mua sắm; tạo cơ hội cho người tiêu dùng có những quyết định đúng đắn về môi trường; khuyến khích nhà sản xuất và cung ứng cung cấp cho thị trường những sản phẩm thân thiện với môi trường; giảm sự tác động đến môi trường có thể xảy ra trong suốt quá trình sản xuất, sử dụng, tiêu dùng và loại bỏ sản phẩm.
Để sản phẩm, dịch vụ được xét cấp nhãn xanh cần thỏa mãn những điều kiện mang tính nguyên tắc như sau: việc đánh giá sản phẩm, dịch vụ dựa trên phân tích vòng đời sản phẩm; hướng tới sử dụng nguyên liệu có tác động thấp nhất tới môi trường; những sản phẩm, dịch vụ góp phần giải quyết ưu tiên trong chính sách như giảm thải, tiết kiệm nước và tiết kiệm năng lượng; có khả năng áp dụng quá trình cải tiến thích hợp; đã qua các cuộc thử nghiệm cần thiết.
Hiện nay, có 33 nhóm sản phẩm được lựa chọn và 11 loại sản phẩm đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Trình tự thiết lập tiêu chí như sau:
Hội đồng thành lập một Phân ban kỹ thuật để thiết lập tiêu chí, phân ban này sẽ tự giải thể sau khi tiêu chí được xây dựng xong. Trong quá trình thiết lập tiêu chí, nhiều tiêu chí khác nhau sẽ được đưa ra để thảo luận, nghiên cứu, khi đã thống nhất về tiêu chí để cấp nhãn, Ban Thư ký sẽ đệ trình đến Hội đồng để quyết định tiêu chí và công bố.
Quá trình lựa chọn xây dựng tiêu chí được dựa trên những ý kiến đóng góp của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau và đại diện của công chúng. Công chúng có thể trực tiếp đóng góp ý kiến của mình hoặc thông qua đại diện tại các tổ chức tham gia vào chương trình.
Ngay sau khi tiêu chí được phê chuẩn và công bố, các nhà sản xuất và phân phối đều có thể đệ trình lên Ban Thư ký về việc sử dụng nhãn xanh Thái Lan. Tất cả các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài, nhà nhập khẩu và các đại lý đều có thể được quyền xin giấy phép.
Khi đơn xin sử dụng nhãn hiệu sinh thái được chấp thuận, TEI và người nộp đơn soạn thảo một bản hợp đồng, trong đó cho phép được quyền sử dụng nhãn xanh. Thời hạn có hiệu lực tối đa của hợp đồng này là 2 năm hoặc cho đến khi tiêu chí cho sản phẩm được sửa đổi. Thường sau 2 năm, chương trình này sẽ tiến hành khảo sát lại để đưa ra một tiêu chí mới.
Bên cạnh chương trình nhãn xanh, Thái Lan còn thực hiện “Sáng kiến tiết kiệm năng lượng”, nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng máy điều hòa không khí tiết kiệm điện mang nhãn sinh thái No.5, chương trình cho vay 10.000 Bath mà không tính lãi suất. Kết quả của chương trình này đã góp phần tiết kiệm 676,10 triệu KWh và giảm lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm là 177 MW. Hiện nay, chính phủ Thái Lan khuyến khích người dân sử dụng gạo lứt mang nhãn sinh thái No.5 góp phần giảm lượng điện tiêu thụ cho công đoạn xay xát, tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng. |
AL