Tàu qua Lăng Cô - Huế
DLST phát triển chậm và chiếm tỷ lệ nhỏ
Những năm qua, hoạt động du lịch ở Thừa Thiên - Huế rất khởi sắc, tuy nhiên, vẫn chỉ phát triển chủ yếu loại hình du lịch văn hóa. Số lượng khách DLST mặc dù có tăng nhưng tốc độ tăng chậm và chiếm tỷ lệ khá ít trong tổng cơ cấu khách đến du lịch (năm 2010 là 19,08%). Tốc độ tăng trưởng bình quân của khách DLST từ năm 2000 – 2010 đạt 1,13 lần.
Nhận thức DLST không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường cũng như bản sắc văn hóa truyền thống, Thừa Thiên - Huế đã và đang xúc tiến triển khai, mở rộng các dự án DLST. Trong đó, có rất nhiều dự án lớn như: đầu tư du lịch biển Lăng Cô, Thuận An, vườn quốc gia Bạch Mã, suối nước nóng Thanh Tân, Mỹ An... Ngoài ra, trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020, tỉnh cũng đã phê duyệt và kêu gọi đầu tư một số dự án DLST quy mô, mỗi dự án đều có vốn đầu tư từ 10 - 20 triệu USD như: làng DLST nhà vườn Kim Long, khu DLST cao cấp Cồn Hến; khu DLST núi Chúa – Tư Hiền; khu DLST xã Vinh Xuân – Vinh Thái – Vinh An; khu DLST Bạch Mã; khu DLST Tây phá Tam Giang…
Đến nay, việc đầu tư, khai thác, phát triển các loại hình DLST tại Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu đang bó hẹp trong một số loại hình DLST như: nghỉ biển, nghỉ núi, nghỉ chữa bệnh tại các suối nước nóng... Ở nhiều điểm tài nguyên, hoạt động DLST vẫn chưa mang đầy đủ những đặc trưng vốn có của nó, chỉ mới dừng lại ở việc khai thác phục vụ du lịch tự nhiên, du lịch “đại chúng”, do đó đã bắt đầu bộc lộ những yếu kém, gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan. Công tác quy hoạch DLST tại một số điểm tài nguyên đã được triển khai trong những năm qua (như khu vực Bạch Mã – Lăng Cô...), đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DLST. Tuy nhiên, tại nhiều điểm tài nguyên khác, đặc biệt là những tài nguyên có quy mô vừa và nhỏ, công tác nghiên cứu điều tra cơ bản về tài nguyên DLST mới chỉ ở giai đoạn đầu, có nhiều nơi còn đang bỏ ngỏ. Các hoạt động khác như: giáo dục môi trường, quảng bá, đào tạo nguồn cán bộ cho DLST… mặc dù đã được quan tâm hơn trong vài năm qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển DLST trên địa bàn.
Đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng khách DLST
Để làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp phát triển DLST bền vững ở vùng du lịch Bắc Trung Bộ (VDLBTB), năm 2010 chúng tôi đã tiến hành điều tra chọn mẫu không lặp khảo sát tại một số điểm DLST gồm: các tài nguyên tập trung tại TP. Huế và khu vực Cảnh Dương – Bạch Mã - Lăng Cô với số mẫu là 293, trong đó có 108 mẫu khách quốc tế.
Trong số khách DLST được hỏi, phần lớn đều là khách đi du lịch thuần túy và kết hợp DLST (64,6%); nghỉ dưỡng (14,8%); du lịch thăm thân kết hợp DLST (9,7%), còn lại là khách đi với mục đích khác. Cơ cấu khách quốc tế theo quốc tịch: đông nhất là khách Pháp (24,8%); tiếp đến là khách Nhật Bản (19,6%); Hàn Quốc (11,8%); Australia (10,3%), còn lại là các nước khác. Loại hình chủ yếu mà khách tham gia đó là: nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan nhà vườn.
Qua khảo sát tài nguyên và dựa trên số liệu sơ cấp, thứ cấp thu thập được, chúng tôi đã xây dựng một số loại hình du lịch sinh thái ngoài các loại hình DLST nghỉ dưỡng, chủ yếu là các loại hình DLST không tiêu dùng tài nguyên: tour xe đạp (đường núi, vùng nông thôn); lặn biển; khám phá động thực vật (vườn quốc gia Bạch Mã, phá Tam Giang, biển…); xem chim; du lịch nhà vườn; du lịch sinh thái làng nghề; đi bộ sinh thái…
Ngoài ra, theo điều tra, có đến hơn 90% khách trả lời muốn tham gia vào việc bảo tồn môi trường; 82% số khách muốn được tham gia và tìm hiểu sinh hoạt của cộng đồng địa phương. Hơn 67% số khách trả lời chưa và ít được tiếp cận với sinh hoạt của cộng đồng địa phương, chưa kể có một số khách không có ý kiến. Đặc biệt, trong
hần câu hỏi: «khách đã biết đầy đủ thông tin về điểm tài nguyên trước khi đến Việt Nam hay chưa?», có đến 78% khách quốc tế trả lời hầu như chưa biết hoặc biết rất ít. Nhiều khách quốc tế trả lời là chủ yếu được các công ty lữ hành giới thiệu qua và đặt chỗ khi đến Việt Nam… Mặc dù số liệu trên chưa phải là toàn diện nhưng cũng cho chúng ta thấy một khía cạnh nhất định trong việc thúc đẩy phát triển DLST bền vững trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.
Thực hiện nhiều giải pháp
Để đảm bảo cho việc phát triển DLST bền vững trong điều kiện Thừa Thiên - Huế hiện nay, theo chúng tôi cần đề ra một loạt các chính sách, biện pháp và tạo ra cơ chế đảm bảo cho sự phối hợp hiệu quả giữa các ban ngành.
Tạo cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững
Để hoạt động DLST tại Thừa Thiên - Huế phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động DLST. Tiếp theo, xây dựng các “nguyên tắc chỉ đạo” cho DLST nhằm làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động DLST và quản lý nguồn tài nguyên.
Triển khai các công tác quy hoạch cho DLST bền vững
Cần sớm triển khai quy hoạch tổng thể về DLST và quy hoạch chi tiết cho các cụm và điểm tài nguyên chưa có quy hoạch DLST. Đặc biệt, cần tiến hành đánh giá tổng thể và toàn diện nguồn tiềm năng DLST trên địa bàn và có những nghiên cứu cơ bản làm cơ sở cho việc quy hoạch DLST của địa phương. Như trong nghiên cứu của chúng tôi, loại hình DLST được du khách lựa chọn nhiều là vãn cảnh, tìm hiểu cuộc sống vùng nông thôn và DLST làng nghề…, nhưng thời gian qua vẫn chưa được chú ý đúng mức. Cần lưu ý trong công tác quy hoạch phải tính đến tính đặc thù về tài nguyên thiên nhiên và nền văn hóa bản địa đa dạng ở các địa phương trong vùng.
Đẩy mạnh quản lý nguồn tài nguyên phục vụ DLST
Cần đề ra một cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nhằm hạn chế các tác động xấu đối với môi trường. Để làm tốt công tác này trước hết cần xây dựng mô hình thiết lập "cơ sở các khuôn khổ quản lý" và triển khai giám sát việc quản lý tài nguyên. Trong điều tra của chúng tôi, nhân tố môi trường có ảnh hưởng rất cao đến quyết định đi DLST của du khách và rất nhiều khách trả lời sẽ không tham gia DLST nếu điểm tài nguyên đó không được bảo vệ và quản lý tốt (đặc biệt là khách quốc tế). Vì vậy, cần quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
Công tác giáo dục môi trường
Công tác giáo dục môi trường không chỉ dừng lại ở du khách và cộng đồng cư dân địa phương mà còn phải tiến hành cho các nhà lập chính sách, nhà quản lý, các đơn vị và đối tượng kinh doanh du lịch tại điểm tài nguyên bằng rất nhiều phương thức lồng ghép như: tổ chức cuộc vận động, phát hành văn bản hướng dẫn, ấn phẩm phát không (tờ rơi, tập gấp, brochua, tập sách nhỏ...), tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, chiếu phim hay thông qua việc diễn giải môi trường của các hướng dẫn viên du lịch... Cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể và các hội như: cựu chiến binh, hội phụ nữ, nông dân... trong công tác tuyên truyền và giáo dục môi trường.
Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng
Sự phát triển không bền vững của DLST phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự phản đối DLST của cộng đồng địa phương, do DLST không đem lại lợi ích đáng kể cho họ. Thừa Thiên – Huế muốn phát triển DLST bền vững thì phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Trong công tác lập kế hoạch và thực hiện cần gắn với lợi ích cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa.
Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động DLST
Cần có chính sách đẩy mạnh và khuyến khích đào tạo nhân lực nhằm phục vụ việc tổ chức và khai thác các chương trình DLST, bao gồm các đối tượng: cán bộ quản lý, nhân viên tại các trung tâm đón tiếp, nhân viên tổ chức các chương trình, hướng dẫn viên…
Về công tác giới thiệu, quảng bá DLST
Để phát triển DLST, Thừa Thiên - Huế cần sử dụng các kinh nghiệm lồng ghép như ở một số nước đã triển khai: cung cấp thông tin dưới dạng tập gấp, tờ rơi, sách hướng dẫn, bản đồ...; phân phối miễn phí cho du khách thông qua các hãng, đại lý du lịch, các tổ chức môi trường, các trung tâm thông tin, các cửa khẩu đón khách; đưa nội dung giới thiệu về tài nguyên du lịch tự nhiên, các chương trình và sản phẩm DLST lên mạng Internet; tổ chức các cuộc hội thảo, họp báo giới thiệu về tiềm năng… Ngoài ra, ngành Du lịch của tỉnh nên phối hợp với các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Nam… đẩy mạnh công tác quảng bá này. Cần lưu ý đến việc xác định thị trường khách mục tiêu và tiềm năng của DLST để có phương pháp tiếp cận hợp lý.
Đầu tư nguồn vốn cho DLST
Cần tranh thủ các ngồn vốn tài trợ khác như nguồn vốn hỗ trợ của các nước, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội… và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Bên cạnh đó, có chính sách xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho DLST, đặc biệt là vốn xây dựng cơ sở vật chất du lịch như: hệ thống nghỉ dưỡng, ăn uống, thông tin, dịch vụ du lịch... Tuy nhiên, việc xây dựng các cư sở lưu trú và ăn uống tại các điểm tài nguyên cần phù hợp với cảnh quan và tiêu chuẩn môi trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Ceballos - Lascurain (1999), “Du lịch sinh thái - Một hiện tượng toàn cầu”, DLST - Hướng dẫn cho các nhà lập kế hoạch và quản lý, Tập1, Cục Môi trường, Hà Nội
2. Mohamed Badaruddin (2002), "Phát triển DLST tại Malaixia – Có thật sự bền vững?", Báo cáo trình bày tại hội thảo: DLST dựa trên cộng đồng ở Đông Nam Á, Chiang Mai - Thái Lan
3. Hiệp hội Du lịch Sinh thái (1999), Du lịch Sinh thái - Hướng dẫn cho các nhà lập kế hoạch và quản lý, Tập 1,2 Cục môi trường, Hà Nội
ThS. Nguyễn Quyết Thắng - PGS.TS. Lê Hữu Ảnh