Nhìn lại kết quả đánh giá
Để có những kết quả vừa mang tính tổng hợp, vừa thể hiện rõ tiềm năng của từng tỉnh, đề tài nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chuyên gia chấm điểm dựa trên kết quả của việc thống kê tài nguyên du lịch của toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB). 39 chuyên gia du lịch trong và ngoài vùng đã tham gia chấm điểm các yếu tố về tiềm năng du lịch của từng tỉnh và tổng hợp cho vùng dựa trên thang đo Likert 5 điểm (Rất không đồng ý - Hoàn toàn đồng ý). Kết quả sau khi xử lý thống kê cụ thể như sau:
Đánh giá về tài nguyên du lịch
Vùng DHNTB có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, đặc sắc như tài nguyên du lịch biển đảo, hệ động thực vật, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là văn hóa Chămpa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ; các lễ hội văn hóa dân gian; ca múa nhạc; ẩm thực; làng nghề thủ công truyền thống; các bảo tàng và văn hóa nghệ thuật… Tuy nhiên, sự đa dạng và đặc sắc của tài nguyên du lịch tại các địa phương trong vùng không đồng đều. Mức độ đa dạng và đặc sắc của tài nguyên du lịch tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận, trong khi đó tài nguyên du lịch của các tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên được đánh giá có mức độ đa dạng và đặc sắc thấp nhất. Bình Định và Ninh Thuận được đánh giá với mức điểm xấp xỉ 4/5. Do đó, để có thể phát huy được hệ thống tài nguyên du lịch của vùng một cách đồng bộ, bền vững dựa trên những thế mạnh và giá trị đặc sắc của từng địa phương cần có định hướng trong việc quản lý và khai thác tài nguyêndu lịch của vùng.
Đánh giá về khả năng tiếp cận
Các tỉnh có khả năng tiếp cận tốt về thông tin, hệ thống giao thông vận tải… là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Thuận và Bình Định. Trong khi đó, việctiếp cận du lịch của Quảng Ngãi, Phú Yên và Ninh Thuận vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để việc tiếp cận thông tin thuận tiện cần sự nỗ lực của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch và người dân trong việc tăng cường quảng bá thông tin du lịch địa phương đến với du khách.
Đánh giá về an ninh, an toàn
Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề an ninh an toàn trong khai thác phát triển và thu hút khách du lịch ở DHNTB rất tốt. Đây là yếu tố thuận lợi và là một trong các yếu tố có sức hấp dẫn du khách rất cao.
Đánh giá về sức hấp dẫn du lịch
Sức hấp dẫn du lịch tập trung chủ yếu vào các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận. Đây là những địa phương có các đô thị du lịch với hệ thống tài nguyên khá tập trung, thuận tiện cho khách tham quan trải nghiệm. Sức hấp dẫn của Bình Định cao hơn các tỉnh còn lại (3.94/5). Phú Yên và Ninh Thuận có sức hấp dẫn du lịch ngang nhau (3.88/5). Hiện tại, Quảng Ngãi có mứchấp dẫn du lịch thấp nhất so với các địa phương trong vùng. Điều này cho thấy Quảng Ngãi chưa có định hướng khai thác các tiềm năng du lịch hiệu quả, chưa xây dựng được hình ảnh đặc trưng và chưa tạo thành điểm đến ấn tượng cho du khách.
Đánh giá về thiên tai và biến đổi khí hậu có ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch
Mức điểm trung bình đánh giá của các địa phương rất cao và gần như ngang nhau. Kết quả này chỉ ra, thiên tai và biến đổi khí hậu đang có ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của các địa phương trong vùng. Thực tế hiện nay, tại vùng DHNTB nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu những tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu như hạn hán, mất mùa,… đặc biệt là ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Biến đổi khí hậu đang có nguy cơ gây ra rủi ro cao cho khai thác tiềm năng du lịch và ảnh hưởng bất lợi lâu dài đối với ngành Du lịch. Đây là hạn chế rất lớn cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong và ngoài ngành Du lịch để giải quyết vấn đề.
Đánh giá về các điều kiện để khai thác tiềm năng du lịch
Kết quả khảo sát cho thấy, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận có ưu thế lớn hơn trong phát triển du lịch, cụ thể là các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực và chính sách phát triển du lịch, quy hoạch du lịch.
Về chính sách phát triển du lịch và quy hoạch du lịch, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận được đánh giá khá thấp, chứng tỏ việc đầu tư cho các điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực du lịch… vẫn chưa hiệu quả và cần có những định hướng phù hợp để phát triển du lịch; đồng thời, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương để tạo nên một hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, quy hoạch du lịch đồng bộ xuyên suốt cả vùng nhằm tạo nên sức hấp dẫn đồng đều giữa các địa phương trong vùng.
Đánh giá về thông tin điểm đến du lịch ấn tượng và đa dạng
Về việc cung cấp thông tin điểm đến du lịch ấn tượng và đa dạng, tỉnh Bình Định đã vượt lên mức điểm trung bình cao (4.06/5). Đà Nẵng làm rất tốt việc cung cấp thông tin điểm đến du lịch ấn tượng và đa dạng (4.71/5), đây là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo dựng nên hình ảnh Du lịch Đà Nẵng hiện nay.
Định hướng khai thác tài nguyên
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng du lịch của các địa phương vùng DHNTB thông qua khảo sát chuyên gia có thể nhận thấy sự không đồng đều về tiềm năng du lịch giữa các địa phương và tiềm năng du lịch của các địa phương trong phạm vi khu vực lõi của vùng chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân do khoảng cách địa lý; do mức độ đầu tư và thu hút đầu tư vào du lịch phân tán, chưa được chú trọng; việc phát triển các loại hình du lịch mới dựa trên các giá trị đặc trưng về tài nguyên của địa phương, việc xây dựng các khu giải trí, các khu mua sắm quy mô lớn, hiện đại vẫn chưa được quan tâm đúng mức; số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chất lượng cao còn hạn chế; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; công tác quy hoạch du lịch một số địa phương còn chậm… Thêm vào đó, thiên tai và biến đổi khí hậu cũng có tác động lớn đến sự phát triển du lịch của vùng. Những nguyên nhân này dẫn đến hệ thống sản phẩm du lịch của các địa phương chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Việc đánh giá về tiềm năng du lịch giúp nhận diện những điểm mạnh và chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch của vùng, đồng thời là cơ sở để đề xuất một số định hướng trong việc khai thác tài nguyên tại vùng DHNTB bao gồm:
Một là, các địa phương cần đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch biển đảo và du lịch di sản, văn hóa.
Hai là, mỗi địa phương cần xác định rõ thế mạnh riêng của mình trong mục tiêu chung của cả vùng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng.
Ba là, nâng cao nhận thức các bên liên quan (chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch, nhà kinh doanh du lịch, người dân địa phương, du khách) về vai trò của tài nguyên du lịch đối với phát triển du lịch và phát triển du lịch bền vững.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển du lịch các địa phương.
Năm là, nâng cao vai trò quản lý nhà nước, quản lý ngành và lãnh thổ về du lịch.
Sáu là, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của từng địa phương; liên kết hợp tác quảng bá giữa các địa phương trong và ngoài vùng tạo ra thế liên hoàn, liên tục; đổi mới công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch.
Bảy là, xây dựng hình ảnh du lịch dựa trên thế mạnh tiềm năng du lịch của từng địa phương và tiến tới xây dựng hình ảnh du lịch đặc trưng cho cả vùng.
Tám là, chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập trong xu thế mới hiện nay.
Chín là, thu hút đầu tư vào khai thác tiềm năng du lịch của từng địa phương và vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng địa phương và các sản phẩm đặc trưng, đặc sắc của riêng vùng DHNTB.
Vùng DHNTB có tiềm năng du lịch nổi trội là hệ thống tài nguyên biển, đảo và tài nguyên di sản - văn hóa. Tuy nhiên, mỗi địa phương đều có các giá trị tài nguyên rất đặc sắc và độc đáo riêng. Đà Nẵng có bãi biển Non Nước, Ngũ Hành Sơn, nghề chạm khắc đá, lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng,... Quảng Nam nổi bật với đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, bãi biển Cửa Đại, đảo Cù Lao Chàm, lễ hội đêm rằm phố cổ, du lịch nông nghiệp… Quảng Ngãi có bãi biển Sa Huỳnh, khu chứng tích Sơn Mỹ, đảo Lý Sơn, khu di tích mộ Chum Sa Huỳnh, di tích văn hóa Chăm, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Bình Định có bãi biển Quy Nhơn, festival võ cổ truyền và rất nhiều làng nghề. Phú Yên ngoài nhiều bãi biển đẹp như Tuy Hòa, bãi Bàng, …còn có hệ thống đầm, ghềnh như Ô Loan, Cù Mông, vịnh Xuân Đài, ghềnh Đá Đĩa, tháp Nhạn. Ninh Thuận nổi tiếng với bãi biển Ninh Chữ, văn hóa Chăm, vườn nho, gốm Bầu Trúc, vườn quốc gia Núi Chúa. Khánh Hòa nổi tiếng với vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Bình Thuận có Mũi Né, đảo Phú Quý, và đặc sản thanh long. Tóm lại, mỗi địa phương đều có các tiềm năng du lịch rất đặc sắc và riêng biệt. Đây là những yếu tố có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. |
Nguyễn Thị Thanh Ngân*
Trương Thị Lan Hương*
Tạp chí Du lịch tháng 6/2016