Lục Ngạn được biết đến là “vựa trái cây bốn mùa” lớn nhất miền Bắc, với hơn 27 ngàn ha cây ăn quả, trong đó có trên 15 ngàn ha cây vải thiều - cây chủ lực đã và đang khẳng định được thương hiệu và thế mạnh xuất khẩu của huyện Lục Ngạn cũng như của tỉnh Bắc Giang. Nhằm khai thác được nhiều hơn thế mạnh từ cây vải cùng với những tài nguyên văn hóa của Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang tiến hành xây dựng các tour du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm vào mùa quả chín. Riêng huyện Lục Ngạn đã quy hoạch một số điểm phát triển du lịch miệt vườn, bố trí các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải…
Sau khi khảo sát tại các nhà vườn tại thôn Giành Mới (xã Quý Sơn - xã trọng điểm về vải thiều), đại diện các Sở VHTTDL, hiệp hội du lịch, trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp du lịch, cơ quan thông tấn báo chí đến từ Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Kạn, Quảng Ninh… đã trao đổi và có nhiều ý kiến góp ý giải pháp nhằm tăng giá trị của cây vải thiều qua du lịch, thu hút du khách đến với huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang.
Đa số các ý kiến nhận định rằng huyện Lục Ngạn có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch miệt vườn, tuy nhiên cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống các dịch vụ đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách, quy hoạch khu vực riêng dành cho phát triển du lịch với chỉ dẫn địa lý, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn gặp gỡ các đơn vị kinh doanh du lịch tỉnh bạn để kết nối hình thành chuỗi sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tập huấn cho nhân dân kỹ năng đón tiếp khách và triển khai các thỏa thuận với người dân trồng vải để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia du lịch cũng nhất trí cho rằng mùa vải thiều chỉ diễn ra hơn một tháng trong khi huyện Lục Ngạn có nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng thơm ngon được gối vụ và luân phiên thu hoạch suốt 4 mùa trong năm, vì thế nên nghiên cứu kết hợp với các mùa vụ khác để đón du khách được quanh năm thay vì chỉ vào mùa vải chín. Lục Ngạn thích hợp tổ chức những tour du lịch sinh thái vườn đồi kết nối với một số điểm sinh thái, văn hóa tâm linh trong và ngoài huyện như: hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, đền Từ Hả (Lục Ngạn), Tây Yên Tử, Khe Rỗ, Đồng Cao (Sơn Động)…
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Đạo Dũng nhận định: Các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể đưa khách về Lục Ngạn trong mùa vải chín. Tuy nhiên, tour du lịch vải thiều chỉ là một trong nhiều sản phẩm trong chiến lược phát triển du lịch của Bắc Giang, do đó địa phương cần phải tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình, phương án xây dựng, hoàn thiện sản phẩm tour vải thiều, cũng như cần phải kết nối và tạo ra các sản phẩm khác để đón được du khách quanh năm. Ngoài ra, cần khắc phục hệ thống giao thông tại Lục Ngạn, không để tình trạng ùn tắc vào mùa vải thiều như hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp tại tọa đàm; đồng thời giao cơ quan chuyên môn, nghiên cứu đề xuất quy hoạch vùng cây ăn quả phục vụ du lịch, đồng thời quan tâm giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cấp hệ thống giao thông và dịch vụ đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, mong muốn Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên quan tâm, góp ý để Bắc Giang xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với vùng cây ăn quả.
Bắc Giang đang từng bước hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, với các loại hình du lịch chủ đạo như văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. Dự kiến trong tháng 9 tới tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, nhằm mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư vào các điểm du lịch có tiềm năng của tỉnh.
Bắc Giang cách thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc, là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, với hơn 2.000 di tích các loại, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 101 di tích cấp quốc gia và 508 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử đã được hình thành và chuẩn bị khánh thành đưa vào khai thác hệ thống cáp treo chùa Đồng Yên Tử, đây được coi là điểm nhấn của du lịch tỉnh Bắc Giang.
Hạ Tinh