Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng
Theo Viện Hải dương học Nha Trang, vùng biển xã Nhơn Hải có 395 loài của 7 nhóm sinh vật chính, trong đó nhóm san hô tạo rạn có số loài nhiều nhất là 155 loài, tiếp theo là cá 126 loài, thân mềm 61 loài, da gai 25 loài, rong lớn 22 loài, cỏ biển 5 loài và giáp xác 1 loài. Nơi đây là một trong những khu vực có nhiều bãi giống nhất vịnh Quy Nhơn với 16 khu vực bãi đẻ và ương giống của 9 đối tượng nguồn lợi quan trọng như: ốc gai, mực lá, tôm hùm bông, tôm hùm xanh, ghẹ, cá giò, cá mú mè, cá mú sông và hải sâm.
Tuy nhiên, san hô và nguồn lợi thủy sản vùng biển Nhơn Hải đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Theo khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, hiện nay nguồn lợi cá có giá trị thực phẩm cao và kích thước lớn sinh sống tại các vùng rạn san hô (RSH) còn lại rất ít, bởi tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt. Tình trạng khai thác san hô sống làm quà lưu niệm của khách du lịch (DL), khai thác cá cảnh thỉnh thoảng vẫn còn diễn ra; cùng với việc neo đậu tàu DL đã xâm hại RSH. Việc bố trí các bè nổi ngay sát vùng rạn cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn và ăn uống cũng góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm cục bộ do chất thải, gây suy thoái RSH ở khu vực này.
Khai thác DL kết hợp bảo vệ RSH
Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh, cho biết: Trong nỗ lực hành động vì môi trường biển xanh, sạch, đẹp, Hiệp hội đã đề xuất và được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển LHQ hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án “Quản lý bảo vệ hệ sinh thái RSH vùng biển ven bờ gắn với phát triển DL sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải - TP Quy Nhơn”.
Hiệp hội Thủy sản tỉnh đã phối hợp với UBND xã Nhơn Hải xúc tiến thành lập HTX Dịch vụ DL - Thủy sản Nhơn Hải nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện mô hình bảo vệ RSH, bảo vệ môi trường, gắn với việc hưởng lợi từ các dịch vụ DL sinh thái cộng đồng tại địa phương. Vùng biển có RSH thuộc khu vực Hòn Khô Nhỏ (thôn Hải Bắc) đã được UBND xã giao cho HTX và Tổ bảo vệ san hô xã khoanh vùng bảo vệ thí điểm khu vực có diện tích 2,1 ha. Tại đây, HTX đã bố trí một bè nổi để làm điểm trực canh bảo vệ 24/24 giờ trong suốt mùa DL. Bè nổi còn là điểm để tàu chở khách DL neo đậu, tránh thả neo xuống RSH. Các thành viên của Tổ bảo vệ san hô hướng dẫn khách DL lặn ngắm san hô trong khu vực được phép, tránh trường hợp khách giẫm đạp gây gãy đổ san hô, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ RSH cho du khách.
Kết quả khả quan
Qua gần 2 năm thực hiện, dự án đạt hiệu quả tích cực cả về bảo vệ hệ sinh thái biển và lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Kết quả cho thấy mật độ phủ của san hô tại Hòn Khô Nhỏ tăng rõ rệt, tạo nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, bổ sung nguồn lợi thủy sản ven bờ, tạo cảnh quan sinh thái để phát triển DL.
Ông Trần Thanh Thâm, Giám đốc HTX dịch vụ DL - Thủy sản Nhơn Hải, cho biết: Thời gian qua, HTX đã hỗ trợ xã Nhơn Hải thực hiện dịch vụ công ích thu gom rác thải; dịch vụ cầu tàu, bến bãi, bảo vệ RSH, tạo việc làm, góp phần bảo vệ môi trường. HTX đã cử thành viên tham gia tổ bảo vệ RSH, kịp thời ngăn chặn các hành vi như giẫm đạp, bẻ gãy, thả neo tàu làm hư hại RSH; tổ chức định kỳ bắt sao biển gai bảo vệ san hô. HTX đã triển khai tour DL biển khép kín gồm tham quan những cảnh đẹp ở địa phương; tắm biển, bơi lặn ngắm san hô, cá cảnh biển; thưởng thức hải sản…
Vào cuối tháng 5.2018, tại hội thảo tham vấn địa phương và cộng đồng về dự thảo hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017, chia sẻ kinh nghiệm giao quyền cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển khu vực biển có RSH (do Tổng cục Thủy sản phối hợp tổ chức tại TP Quy Nhơn), các đại biểu tham dự đã đánh giá cao mô hình quản lý bảo vệ hệ sinh thái RSH vùng biển ven bờ gắn với phát triển DL sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải.
Mới đây, nhằm kế thừa, duy trì và phát huy những kết quả dự án đạt được, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương giao HTX DL - Thủy sản Nhơn Hải cộng đồng quản lý, bảo vệ vùng RSH Hòn Khô Nhỏ và chỉ đạo HTX lập đề án quản lý, bảo vệ RSH xã Nhơn Hải.
Ông Trần Thanh Thâm cho biết thêm: Khách quan nhìn nhận, hoạt động phát triển DL của HTX chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi vì bước đầu chưa có kinh nghiệm; HTX khó có thể cạnh tranh với các DN lữ hành thu hút khách tham gia tour… Do đó, HTX cố gắng chọn hướng đi riêng để phát triển. Các thành viên HTX hoạt động vận chuyển khách DL; làm dịch vụ nhà hàng; chế biến đồ uống giải khát đặc trưng của HTX là nước rong câu để phục vụ du khách; tổ chức tour lặn biển bằng khí tài hiện đại; tổ chức tour câu mực đêm cùng một số sản phẩm DL trải nghiệm khác…
Và điều quan trọng là HTX đang chuẩn bị triển khai thực hiện Đề án quản lý bảo vệ RSH xã Nhơn Hải để tiếp tục duy trì hoạt động bảo vệ RSH tại Hòn Khô Nhỏ theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Nguồn: baobinhdinh.com.vn