Phát biểu tại chương trình, ông Lâm Văn Khang - Quyền Trưởng Ban Quản lý Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Bắt đầu mở cửa đón khách từ tháng 9/2010, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phát huy ưu thế của một khu du lịch – văn hóa, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch, ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Năm 2016, Làng đã đón trên 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng 200% so với năm 2015. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang phấn đấu trở thành Khu Du lịch quốc gia vào năm 2020 theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đón 1 triệu lượt khách vào năm 2020, và 2 triệu lượt khách vào năm 2030.
Tại chương trình, đa số các ý kiến của các đại biểu đánh giá cao những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam; nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đại diện Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện nay các sản phẩm phục vụ du khách tại làng đang từng bước được hoàn thiện và đa dạng hóa, gồm các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng...; tập trung vào các thị trường khách từ Hà Nội và vùng phụ cận, nhóm khách gia đình, học sinh, sinh viên... Ngoài tổ chức các hoạt động lớn của đất nước, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hiện nay tại Làng đã có các hoạt động hàng tuần, hàng tháng để thu hút du khách như các hoạt động triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật... Đặc biệt, với sự sinh sống của 8 cộng đồng người dân tộc tại đây, du khách khi đến với Làng có cơ hội trải nghiệm văn hóa dân tộc, thưởng thức ẩm thực dân tộc theo hình thức homestay.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn và ngày càng thu hút đông đảo du khách, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần có những hoạt động và sản phẩm mang tính điểm nhấn và tăng cường công tác quảng bá thông tin đến doanh nghiệp và nhân dân. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chỉ có thể trở thành điểm đến hấp dẫn nếu kết hợp được hai yếu tố old – new; đó là những văn hóa truyền thống đặc sắc và những sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu hiện nay của du khách như nhu cầu thưởng ngoại môi trường sinh thái, dùng các thực phẩm sạch, an toàn... Về phía doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng CTC cho biết: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần hạn chế bê tông hóa các công trình vệ sinh, cải thiện chất lượng các bữa ăn cho du khách; đặc biệt nên kết hợp với các trường học để xây dựng các chương trình ngoại khóa, học tập dành cho học sinh, sinh viên...
HN