Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ III, VITA đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp: phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc đề xuất với Chính phủ, thủ tướng Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm tháp gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển như vấn đề visa, thuế, phí, lệ phí, an ninh, an toàn, tạo môi trường thân thiện cho du khách; tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Du lịch để dự thảo Luật Du lịch sát với thực tế, hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp; triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cho toàn thể hội viên; phối hợp với Tổng cục Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc miễn visa cho khách du lịch; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo để góp ý vào đề án trình Chính phủ để kiến nghị Bộ Chính trị ra Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tình hình mới; tham gia soát xét, thẩm định để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, ban hành các Bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; phối hợp xây dựng Thông tư hướng dẫn áp dụng và đánh giá Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch.
VITA phối hợp với Tổng cục Du lịch đề xuất với Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức giải thưởng Du lịch Việt Nam và hàng năm tổ chức bình xét, trao giải thưởng cho các doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực hoạt động như lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm dừng chân, điểm bán hàng và các dịch vụ du lịch khác.
Về công tác phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, tính đến cuối năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước có khoảng 21.000 cơ sở với 420.000 buồng, trong đó phần lớn thuộc sở hữu của các đơn vị thành viên Hiệp hội các cấp; phối hợp đề xuất giải pháp thúc đẩy và mở rộng thị trường du lịch như đề xuất Chính phủ miễn thị thực cho khách quốc tế đến từ một số thị trường trọng điểm; cải cách thủ tục visa và mở rộng cấp visa tại cửa khẩu, tạo thuận tiện cho du khách vào Việt Nam. Đề xuất với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách; thường xuyên tổ chức hoặc tham gia tổ chức các chương trình Famtrip, Presstrip, chương trình khảo sát xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch trong phạm vi từng địa phương hoặc liên kết nhiều địa phương.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, VITA đã trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức hàng ngàn khóa đào tạo, bồi dưỡng cho hàng vạn lao động du lịch trong cả nước về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Về công tác quảng bá xúc tiến, hàng năm VITA đảm nhiệm việc tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia gian hàng tại hội chợ ITB Đức; tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM), mỗi năm thu hút trên 500 gian hàng của khoảng 700 doanh nghiệp đến từ 20 – 25 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia nhiều chương trình hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch tại các thị trường trọng điểm châu Âu, Đông Bắc Á và ASEAN; thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với tổ chức du lịch các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước châu Âu, ASEAN; các hãng hàng không, vận chuyển, các công ty cung ứng dịch vụ và chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
Về công tác hợp tác quốc tế, VITA đã thành lập Văn phòng đại diện tại Nhật Bản mà không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước.
Nhiệm kỳ IV, VITA tiếp tục xây dựng các chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển sản phẩm và thị trường du lịch; đào tạo bồi dưỡng và công nhận danh hiệu “Du lịch có trách nhiệm” cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh côngtác thông tin, quảng bá xúc tiến và hợp tác quốc tế; tiếp tục khai thác có hiệu quả sự hiện diện của Văn phòng đại diện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tại Nhật Bản; phối hợp với Trung tâm Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Pháp để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến tại thị trường Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung; đẩy mạnh hợp tác các Hiệp hội Du lịch quốc tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác…
Bên cạnh đó, Hiệp hội các cấp cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm và cả nhiệm kỳ một cách khoa học, khả thi để thực hiện và phấn đấu thực hiện thành công; phát huy khả năng sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội; tranh thủ sự quan tâm hợp tác giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành để đẩy mạnh các lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát triển vững mạnh và luôn phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý phát triển du lịch trong hoạt động định hướng xây dựng phát triển sản phẩm, thương hiệu và quảng bá xúc tiến du lịch, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch cần tập trung triển khai có hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để phát huy kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ III và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, phương hướng trong nhiệm kỳ IV; chú trọng công tác xây dựng tổ chức phát triển nâng cao trách lượng sản phẩm du lịch và đa dạng hóa phương thức quảng bá xúc tiến du lịch; tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn trong công tác tổ chức và các hoạt động xây dựng Hiệp hội thực sự vững mạnh và phát triển bền vững; tích cực chủ động trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổ chức trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách pháp luật, góp phần xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam thực sự là “Chất lượng – An toàn – Tin tưởng – Kinh nghiệm”; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hội viên phát triển, mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ.
Đại hội cũng đã đề cử 75 đại biểu vào Ban Chấp hành và 5 đại biểu vào Ban Kiểm tra Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017 – 2022).
1. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch
2. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực
3. Bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Phó Chủ tịch
4. Ông Nguyễn Quang Lân - Phó Chủ tịch
5. Ông Phạm Quang Thanh - Phó Chủ tịch
6. Ông Đinh Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch
7. Ông Vưu Chấn Hùng - Phó Chủ tịch
8. Ông Trần Hùng Việt - Phó Chủ tịch
9. Ông Văn Thanh Liêm - Phó Chủ tịch
10. Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch
11. Bà Cao Thị Ngọc Lan - Tổng Thư ký
12. Bà Lê Mai Khanh - Trưởng Ban Kiểm tra
13. Ông Nguyễn Phú Đức - Chủ tịch danh dự
|
PV