Hội thảo là sự kiện quan trọng của ngành Du lịch, thu hút sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trung ương và các bộ, ngành hữu quan, cơ quan quản lý du lịch các tỉnh, tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên, các cơ sở đào tạo về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia về du lịch, đại diện các cơ quan thông tin đại chúng và đại diện các hội quản lý hướng dẫn viên du lịch, đại diện các điểm đến du lịch...
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong thời gian gần đây, ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của cộng đồng xã hội. Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với năm 2017; khách nội địa đạt 80 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2017. Năm 2019, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón và phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng.
Năm 2018, có 499 doanh nghiệp được cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nâng tổng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên cả nước là 2.022 doanh nghiệp. Tính đến giữa tháng 8/2019, số lượng hướng dẫn viên tiếp tục tăng, đạt trên 25.500 hướng dẫn viên. Đến 31/12/2018, số lượng cơ sở lưu trú trên cả nước là 28.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 550.000 buồng. Điều này có nghĩa nhu cầu nguồn nhân lực du lịch nói chung rất lớn, nhân lực quản lý cấp cao, nhân lực quản lý cấp trung và đội ngũ lao động có kỹ năng nghề.
“Sự tăng trưởng của khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên, điểm đến du lịch tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước về du lịch nói chung và công tác quản lý hướng dẫn du lịch nói riêng. Sự tăng trưởng và phát triển của đội ngũ hướng dẫn viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành Du lịch. Xuất hiện tình trạng thiếu hụt cục bộ hướng dẫn viên, hướng dẫn yếu về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, ý thức đạo đức nghề của một số hướng dẫn viên còn kém… Để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, cần tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động hướng dẫn du lịch; tiến hành đồng bộ, thường xuyên về nhận thức, đào tạo, cấp thẻ hành nghề, xếp loại, quản lý, kiểm tra xử lý, khen thưởng tôn vinh; tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý hướng dẫn du lịch” ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Hội thảo cũng đã chia đại biểu làm 3 nhóm để thảo luận về vấn đề tăng cường quản lý hướng dẫn du lịch. Nhóm 1 là nhóm đại biểu quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan. Nhóm 2 là nhóm đại biểu các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu. Nhóm 3 là nhóm doanh nghiệp, hội, câu lạc bộ, hướng dẫn viên. Mỗi nhóm sẽ có một diễn giả điều hành thảo luận. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung: Tăng cường quản lý hướng dẫn viên; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hướng dẫn du lịch; Quản lý, đạo đức nghề và xếp hạng hướng dẫn viên. Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá công tác đào tạo, quản lý hướng dẫn viên; đánh giá hoạt động của hướng dẫn viên và sự phát triển của đội ngũ hướng dẫn viên; tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội của công tác quản lý hướng dẫn du lịch và hướng tới xây dựng quy định về đạo đức nghề hướng dẫn viên; chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý hướng dẫn.
Theo định hướng đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách thì việc nâng cao chất lượng hướng dẫn viên cũng như quản lý, chấn chỉnh các hoạt động du lịch trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch cũng cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh và quyết liệt.
Trong khuôn khổ hội thảo, chiều 20/8/2019, các đại biểu tham dự hội thảo đã đi khảo sát hoạt động hướng dẫn du lịch, quản lý hướng dẫn du lịch tại các khu, điểm du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Thanh Hiền