Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: Dựa trên những đặc điểm và lợi thế về tài nguyên du lịch đặc thù, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển sản phẩm du lịch theo không gian vùng. Hiện nay hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh đã cơ bản được xây dựng và hình thành dựa trên 3 không gian, phân vùng du lịch như: Không gian du lịch trung tâm ở địa phận thành phố Hà Giang cùng các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê và cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy làm trọng tâm; không gian du lịch Đông Bắc gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc gắn với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; không gian du lịch Tây Nam gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình với điểm nhấn là du lịch sinh thái, leo núi cao kết hợp văn hóa bản địa.
Với vị trí thuận lợi là điểm cực Bắc của tổ quốc, là nơi giao thoa tiếp giáp giữa 2 vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Hà Giang từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi sự phong phú và hấp dẫn của các nguồn tài nguyên du lịch. Là vùng đất có lịch sử văn hóa nhân văn lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng tiêu biểu là ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Du lịch Hà Giang đã đạt được những thành tựu đột phá trên một số chỉ tiêu cơ bản, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo việc làm; tốc độ tăng trưởng cao, lượng khách du lịch đến tỉnh (giai đoạn 2015 - 2019) tăng bình quân trên 10%/năm. Trong năm 2019, lượng khách ước đạt 1,3 triệu lượt, trong đó số khách quốc tế là 300 nghìn lượt.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, chưa xác định được thị trường nguồn và phân kỳ khai thác để xây dựng những sản phẩm phù hợp. Do đó, liên kết các vùng để phát triển du lịch là một hướng đi tất yếu của tỉnh trong những năm tới. Hội nghị lần này là dịp để định hướng cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tăng cường liên kết để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều khía cạnh về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng của tỉnh. Trong đó, có những nội dung được đề cập đến như: Cơ sở hạ tầng, giao thông còn khó khăn; nâng cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá; đẩy mạnh nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình lưu trú homestay ở các tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên ngành, nghề du lịch; đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ, thuyết minh viên tại điểm; hợp tác giữa các hiệp hội để kết nối tour tuyến, ẩm thực giữa các vùng miền. Các huyện phía Tây Nam (Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình) của Hà Giang cũng đã giới thiệu về những tiềm năng du lịch như: Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, du lịch lòng hồ thuỷ điện sông Chừng, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… đồng thời, khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Hà Giang là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nhưng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, đưa thêm nhiều hình ảnh độc đáo đến với du khách trong và ngoài nước, nhất là tạo ra các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh phải có sự liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch trong nước để đẩy mạnh phát triển du lịch. Tổng cục Du lịch cam kết đồng hành cùng tỉnh trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch, đặc biệt là ở thị trường quốc tế.
Bế mạc hội nghị, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định: Trước mắt trong nhiệm vụ và lộ trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, về mặt chủ trương, tỉnh Hà Giang tiếp tục coi du lịch là lĩnh vực ưu tiên để tập trung chỉ đạo phát triển, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo và tạo tiền đề cho du lịch Hà Giang phát triển một cách bền vững theo tinh thần của Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong khuôn khổ hội nghị, các huyện phía Tây Nam của tỉnh Hà Giang đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến với Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Ninh Bình; đồng thời, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với 6 doanh nghiệp lữ hành nhằm kết nối tour, tuyến, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch.
Từ ngày 17-19/8/2019, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức đoàn famtrip khảo sát các huyện phía Tây Nam tỉnh Hà Giang (Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình) với sự tham gia của các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình; doanh nghiệp lữ hành và đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh.
|
PV