Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, được đánh giá là điểm sáng trong ngành kinh tế - xã hội của đất nước với sản phẩm dịch vụ và các hoạt động phong phú đa dạng, chất lượng ngày càng cao; hình ảnh, vai trò và vị thế quan trọng của Du lịch Việt Nam được khẳng định ở trong nước và quốc tế; bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực đối với ngành kinh tế tổng hợp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ; thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư làm thay đổi cơ bản diện mạo nhiều địa phương trong cả nước...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 3 năm trở lại đây tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2018 đã tăng gần gấp đôi số lượt khách so với năm 2015. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 3/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới trong năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Du lịch Việt Nam đón được 9,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao đón và phục vụ khoảng gần 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, ngành Du lịch cần có quyết tâm, nỗ lực rất cao để đề ra và thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ nay đến cuối năm 2019 và tạo đà tiếp tục triển khai ở những năm tiếp theo.
Thông tin và phân tích khái quát về tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trong giai đoạn 1995 - 2015 không có đột biến lớn về tốc độ tăng trưởng, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình khoảng 15%/năm. Giai đoạn 2015 - 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới theo đánh giá hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới và cũng là giai đoạn tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển Du lịch Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Du lịch Việt Nam đón thêm 716 triệu lượt khách so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại.
Trong 5 tháng cuối năm 2019, Du lịch Việt Nam sẽ phát triển trong bối cảnh khách du lịch quốc tế tiếp tục đà tăng trên toàn cầu nhưng đã thể hiện rõ xu hướng chậm lại. Hầu hết các nước trong khu vực đều chú trọng, coi phát triển du lịch là một trong những định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi về du lịch, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao giữa Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Ở Việt Nam, nhiều điểm du lịch, sản phẩm du lịch đã trở nên hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới; hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện; kết nối đường không, đường bộ, đường biển ngày càng thuận lợi. Bên cạnh đó, các sự kiện quốc tế lớn tại Việt Nam và các hoạt động xúc tiến quảng bá được tổ chức từ đầu năm phát huy hiệu quả, nhiều chương trình xúc tiến quảng bá dự kiến tiếp tục được triển khai trong thời gian tới…
Với bối cảnh nêu trên đặt ra những thách thức, đồng thời cũng mang đến những cơ hội cho Du lịch Việt Nam nếu có những chính sách, giải pháp, hành động phù hợp. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã đề xuất định hướng một số nhóm giải pháp cơ bản để có cơ sở thảo luận tại hội nghị: đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến quảng bá điểm đến hướng đến các thị trường khách du lịch trọng điểm của Du lịch Việt Nam trên cơ sở phát huy tổng hợp quan hệ hợp tác công - tư; xây dựng các gói sản phẩm kích cầu để giới thiệu đến các thị trường trên cơ sở sự hưởng ứng tích cực của các hãng hàng không có đường bay kết nối trực tiếp với các thị trường và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch; tăng cường hợp tác, trao đổi khách du lịch với các nước là thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam, đón nhiều khách du lịch Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh kết nối khu vực thông qua hợp tác với cơ quan du lịch quốc gia trong khu vực; hợp tác với các ngành ngoại giao, thương mại, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy quảng bá Du lịch Việt Nam; giải quyết các bất cập tại điểm đến du lịch về an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền, hướng dẫn ứng xử văn minh tại các điểm đến du lịch.
Nhằm định hướng đưa ra các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế một cách hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo nghiên cứu khai thác khách du lịch từ các nhóm thị trường trọng điểm, đặc biệt tập trung vào thị trường khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các giải pháp cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, địa phương, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư, cơ quan truyền thông; và huy động tổng thể các nguồn lực trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, tiếp tục đưa ra các thông tin, đánh giá, nhận định về thực trạng, xu hướng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; phân tích các tồn tại, khó khăn của các địa phương, doanh nghiệp trong việc đón khách du lịch quốc tế; đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; đánh giá hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong thời gian qua và đề xuất các định hướng, giải pháp trong giai đoạn tới; kết nối, trao đổi, cùng thúc đẩy thực hiện các giải pháp đến cuối năm 2019 và các giai đoạn tiếp theo.
Vân Nhi