Tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL
Đây là hoạt động nhằm đánh giá kết quả triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL sau 6 tháng đầu năm 2020, trên cơ sở đó đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong thực tiễn và đề ra các giải pháp, phương hướng phát triển cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2020, nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch các nơi, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu và toàn diện đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó ngành Du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. ĐBSCL đã phải gánh thiệt hại “kép” từ dịch bệnh và hạn hán. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn của cả nước nói chung và đối với Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL nói riêng. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng của ngành Du lịch quý I bị giảm sâu và phục hồi chậm trong quý II, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như: vận chuyển, lưu trú… Ngành Du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi gặp rủi ro là rất thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Mặt khác, với tình hình khó khăn chung của thị trường quốc tế và chính sách kích cầu du lịch nội địa rất hấp dẫn của các nước, sẽ càng làm gia tăng khó khăn cho thị trường du lịch quốc tế đến với Việt Nam thời gian tới.
Nhằm giảm thiểu những tác hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Du lịch các tỉnh, thành trong vùng đã liên kết tổ chức thực hiện các nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng; trong đó tập trung các vấn đề về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành; xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các nội dung của thỏa thuận; xây dựng sản phẩm du lịch vùng, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020: xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; xây dựng gian hàng chung quảng bá giới thiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2020; phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển du lịch vùng và triển khai chiến dịch lan tỏa phim quảng bá chính thức về du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế…
Phát biểu tại hội nghị, Ông Lê Thành Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng: Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cho biết: Trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì lúc này chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa. Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL. Với lợi thế thỏa thuận liên kết, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các tour liên kết từ Thành phố Hồ Chí Minh về ĐBSCL.
Ông Lê Thành Phong cũng đưa ra 6 nhóm số giải pháp nhằm “để mỗi người dân đều muốn bước ra khỏi nhà, đi du lịch đây đó ở Việt Nam”:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch nội địa; thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Vùng tại Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào giữa tháng 7.
Thứ hai, xây dựng thương hiệu du lịch liên kết TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Thứ ba, xây dựng lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước là thị trường trọng điểm. Đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Australia cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL là điểm đến du lịch an toàn, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh phát huy tối đa vai trò “đầu mối” nhận khách đến và đưa về các địa phương thông qua các chương trình tour liên kết.
Thứ tư, các doanh nghiệp lữ hành, các khu điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch đánh giá các sản phẩm du lịch liên kết vùng đã thực hiện cũng như các chính sách kích cầu để kịp thời báo cáo những vướng mắc cho cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương để cùng tháo gỡ, tránh sự “đứt gãy” trong chuỗi giá trị, thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Thứ năm, các doanh nghiệp du lịch đầu tàu như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Vietravel, Công ty Du lịch Bến Thành và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần xúc tiến rộng hơn các sản phẩm liên kết và đầu tư nâng cao chất lượng điểm đến trong chùm tour.
Cuối cùng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng để hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời.
Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL luôn có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch trở thành đòn bẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn nước ta đang tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới hiện nay. Việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng ĐBSCL càng có giá trị với ngành Du lịch phía Nam khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền hai vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối hai vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm. Với sự gắn kết chặt chẽ và bền vững này, hoàn toàn có thể đặt ra mục tiêu trong thời gian tới thương hiệu du lich vùng Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL sẽ được du khách yêu thích hơn và lựa chọn là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á.
T.H