Phiên họp liên Uỷ ban UNWTO CAP-CSA lần thứ 32: thúc đẩy các chính sách du lịch ứng phó tác động của Covid-19
Đại diện nước chủ nhà đăng cai Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Hàng không Sri Lanka H.E. Hon. Prasanna Ranatunga cho biết: Do tác động của dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, phiên họp liên Ủy ban CAP-CSA lần thứ 32 đã không thể diễn ra tại Sri Lanka từ ngày 29/6 - 1/7/2020 như kế hoạch, do đó đã chuyển họp trực tuyến qua ứng dụng nền tảng công nghệ.
Hoan nghênh và đánh giá cao UNWTO tổ chức phiên họp quan trọng này, Bộ trưởng Du lịch Maldives H.E. Mr. Ali Waheed và Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Hon. Dr. Noor Zari Bin Hamat - đồng Chủ tịch Phiên họp CAP-CSA lần thứ 32 đều nhận định: UNWTO đã dẫn đầu những nỗ lực phục hồi du lịch toàn cầu với nhiều biện pháp chủ động hỗ trợ tất cả các quốc gia thành viên ứng phó với đại dịch Covid-19. Nhiều sáng kiến của UNWTO như thành lập Ủy ban Khủng hoảng du lịch toàn cầu; giới thiệu các gói hỗ trợ kỹ thuật và phục hồi du lịch; đánh giá và phân tích tác động; các chiến lược và khuyến nghị về hành động nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 và tăng tốc phục hồi du lịch; ra mắt Hướng dẫn toàn cầu tái khởi động du lịch; cùng với nhiều khóa học, hội thảo trực tuyến… đã mang lại lợi ích giúp các quốc gia thành viên chiến lược hóa lại các chính sách và xây dựng các giải pháp mới phù hợp nhằm vượt qua tình hình suy thoái kinh tế nghiêm trọng do tác động của Covid-19 mà các quốc gia đang phải đối mặt.
Phiên họp cũng đã nghe Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili báo cáo về các sáng kiến và hành động của UNWTO ứng phó với những tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch toàn cầu và những hành động cụ thể cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những chủ đề chính của phiên họp liên Ủy ban lần thứ 32 liên quan tới: sự can thiệp của các Bộ trưởng CAP/CSA về các vấn đề chính sách nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19; các vấn đề về đầu tư du lịch, đổi mới và công nghệ; vấn đề về bảo hộ quốc tế cho khách du lịch, xây dựng lại niềm tin của du khách; thảo luận của các quốc gia thành viên UNWTO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác liên kết...
Đánh giá du lịch là mũi nhọn và động lực của nền kinh tế của nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện ngành Du lịch các quốc gia thành viên tham gia Phiên họp kỳ vọng vào sự thích nghi, đổi mới và phục hồi của ngành Du lịch sau khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử do dịch Covid-19 gây ra; đồng thời cho rằng đây cũng là cơ hội để tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, khôi phục niềm tin và sự tự tin tạo ra một nền tảng thống nhất và hài hòa trong tình hình mới. Song song với các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt để bảo vệ an toàn cho công dân và khách du lịch, nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị cho các hoạt động phục hồi du lịch như: Maldives dự kiến mở cửa biên giới và từng bước phục hồi du lịch vào tháng 7/2020; Sri Lanka hướng tới mở lại các đường bay quốc tế vào ngày 1/8/2020 sau khi không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng từ cuối tháng 4/2020…
Đại diện đoàn Việt Nam phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cũng khẳng định Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch 30,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% vào GDP và tạo 2,5 triệu việc làm. Trong giai đoạn này, cũng giống như các quốc gia thành viên khác, ngành Du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 57%; lượng khách nội địa ước đạt 23 triệu lượt, giảm 46%; tổng thu du lịch ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. “Tuy nhiên, nhờ có những hướng đi đúng đắn, kịp thời cùng các biện pháp quyết liệt trong ứng phó với đại dịch, cũng như các chính sách và khuyến khích nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 do Chính phủ Việt Nam ban hành, trong đó có các chính sách cụ thể đối với ngành Du lịch, Việt Nam đã kiểm soát một cách hiệu quả đại dịch. Cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong vòng 75 ngày liên tiếp. Kể từ ngày 7/5/2020 đến nay, hầu hết các hoạt động dịch vụ, sản xuất và kinh doanh trong nước đã trở lại bình thường, trong đó có du lịch” - Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Đồng thời với việc ban hành hướng dẫn về các biện pháp phòng dịch đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú và điểm đến; triển khai chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động nhằm kích cầu du lịch nội địa, đến nay du lịch nội địa đang dần phục hồi. Liên quan tới du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, hiện tại Du lịch Việt Nam đang nghiên cứu các phương án mở lại hoạt động du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn như "VietnamNOW - Safety and Smiling”... Trong quá trình này, Việt Nam mong muốn nhận được sự chia sẻ và tăng cường hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên cũng như các tổ chức du lịch quốc tế như UNWTO.
Phiên họp liên Ủy ban CAP-CSA lần thứ 33 sẽ tiếp tục được đăng cai tổ chức tại Sri Lanka vào năm 2021.
Dự kiến, một số hoạt động và sự kiện của UNWTO diễn ra trong thời gian tới như: Hội thảo trực tuyến của UNWTO khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quyền và bảo vệ người tiêu dùng trong ngành Du lịch hậu Covid-19: Con đường đạt tiêu chuẩn quốc tế (14/7/2020); Diễn đàn UNWTO/PATA lần thứ 14 về xu hướng và triển vọng du lịch (10/2020 tại Quế Lâm, Trung Quốc); Triển lãm du lịch Nhật Bản 2020 (29/10 - 1/11/2020 tại Okinawa, Nhật Bản); Diễn đàn kinh tế du lịch toàn cầu lần thứ 9 (8-10/12/2020 tại Macao, Trung Quốc); Chương trình đào tạo điều hành của UNWTO cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương (Phnom Penh, Campuchia); Hội thảo đào tạo trực tuyến UNWTO/IFT với mục tiêu phát triển và tăng cường nguồn nhân lực cho phát triển du lịch bền vững... |
Hạ Tinh