Ngoài ra, nhiều trường còn mời đại diện của các doanh nghiệp du lịch đến trao đổi chuyên đề sâu, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên và tham gia thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra của các chuyên ngành đào tạo, thiết lập mạng lưới cựu sinh viên đang công tác tại các doanh nghiệp với mục đích giúp nhà trường phát triển đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch, chưa mang lại những kết quả thực sự mà các bên hướng tới vì:
Thứ nhất, giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch chưa có những kế hoạch rõ ràng, cụ thể chi tiết và chiến lược dài hơi cho từng nội dung hợp tác.
Thứ hai, mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đa số mới chỉ tập trung vào việc trường gửi sinh viên thực tập, tuyển nhân viên giúp doanh nghiệp, mời chuyên gia trao đổi với sinh viên, học viên… Doanh nghiệp chưa được tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường với tư cách là người sử dụng sản phẩm đào tạo.
Thứ ba, mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch hiện nay vẫn chưa cụ thể về mặt lợi ích nên dẫn tới việc kết hợp còn mang tính hình thức.
Thứ tư, sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác tư vấn nghề và tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường còn hạn chế.
Bản chất mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch là: lợi ích. Mỗi bên đều phải tìm thấy lợi ích chính đáng của mình trong từng nội dung hợp tác từ nhỏ đến lớn thì mối quan hệ mới bền chặt và phát triển bền vững. Lợi ích đó cần được thỏa mãn một cách hài hòa cho cả 2 bên và các bên thứ 3 có liên quan như người học, gia đình người học, các cơ quan quản lý, cộng đồng dân cư. Để thỏa mãn được những lợi ích trên và xây dựng được mối quan hệ lâu dài có hiệu quả, mỗi bên cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch cùng nhau thống nhất kế hoạch phối kết hợp từng nội dung cụ thể, rõ ràng minh bạch trong từng thời điểm cụ thể. Hai bên đối tác cần phải có bộ phận, kiểm tra giám sát việc thực hiện và sau mỗi một nội dung hợp tác, cần có sự tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những vấn đề còn chưa làm được. Nhà trường và doanh nghiệp du lịch cần giao cho một bộ phận chuyên trách của đơn vị mình làm việc đó. Có sự thống nhất rõ ràng trong việc xây dựng kế hoạch phối hợp, phân định cụ thể cá nhân hoặc bộ phận chịu trách nhiệm quản lý công việc này thì chắc chắn rằng chất lượng mối liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp du lịch sẽ bền vững lâu dài và có hiệu quả cao.
Hai là, trong nội dung kế hoạch hợp tác giữa và doanh nghiệp cần có một số nội dung quan trọng sau:
- Xây dựng, đánh giá, thẩm định chương trình đào tạo ngành Du lịch
- Tham gia vào công tác đào tạo của nhà trường (chủ yếu là thực hành tại doanh nghiệp du lịch)
- Thẩm định đánh giá chất lượng đào tạo khi sinh viên thi tốt nghiệp hoặc làm luận văn cuối khóa
- Tiếp nhận, thẩm định chất lượng học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp (đánh giá chất lượng sản phẩm của cơ sở đào tạo)
Ba là, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần xét đến vấn đề lợi ích đặt ra khi liên kết giữa đôi bên.
Bốn là, cơ sở đào tạo cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các cựu sinh viên hiện đang làm tại các doanh nghiệp, chính họ sẽ là minh chứng cụ thể cho chất lượng đào tạo của cơ sở.
Năm là, cơ sở đào tạo cần phải có sự hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm đối với vấn đề tuyển dụng nhân viên, tư vấn nghề nghiệp và đào tạo lại cho nhân viên trong các cơ sở kinh doanh du lịch.
Sáu là, thường xuyên tổ chức hội thảo, tư vấn nghề nghiệp, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp du lịch với tư cách là người sẽ sử dụng sản phẩm và cơ sở đào tạo với tư cách là người tạo ra sản phẩm. Qua những hoạt động đó doanh nghiệp du lịch có thể đưa ra những tiêu chí tuyển dụng vào các vị trí cụ thể mà doanh nghiệp thiếu, trao học bổng cho những sinh viên ưu tú, tạo cơ hội cho học sinh sinh viên làm thêm ngoài giờ học, truyền tình yêu nghề đến tất cả các bạn học sinh sinh viên một cách hiệu quả và thực tế nhất.
ThS. Vũ Văn Viện
(Trường Cao đẳng VHNTDL Hạ Long)