Có người nói rằng: các cơ quan đó chủ yếu lo củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao và thương mại song phương và đa phương. Nói thế cũng đúng nhưng chưa đủ. Du lịch chính là một quan hệ giao lưu giữa người dân của các nước, là sự khám phá và tìm hiểu của những người dân bình thường đối với một quốc gia khác, và qua đó góp phần rất tích cực trong quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các nước. Ta thường nói du lịch là “ngành công nghiệp không khói”, là “ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn”... Khi sang công tác ở Indonesia, tôi lại được nghe một câu định nghĩa rất hay của bạn về du lịch, đó là “ngoại giao không cần sứ quán, là tuyên truyền không cần khẩu hiệu, là khoá học không cần trường lớp”; càng suy ngẫm lại càng thấy định nghĩa đó là chí lý, là sâu sắc và toàn diện.
Trong tất cả các đại sứ quán của ta ở nước ngoài, đều có cán bộ mang chức danh Tham tán văn hóa hoặc Tuỳ viên văn hóa. Ngay cả người đứng đầu cơ quan đại diện - Đại sứ hoặc Đại sứ đặc mệnh toàn quyền - trước khi ra nhận nhiệm vụ đều có một chuyến đi kéo dài hàng tháng từ Bắc vào Nam, gặp gỡ các lãnh đạo địa phương và được tham quan tìm hiểu những di tích, danh lam thắng cảnh của ta. Điều đó rõ ràng là cần thiết, bổ sung “vốn liếng” về Du lịch Việt Nam cho các đại sứ để thuận lợi hơn khi giao tiếp với bạn bè. Có thể nói rõ ràng rằng việc quảng bá Du lịch Việt Nam là một trong những yêu cầu công tác của các cơ quan đại diện nói chung, chứ không phải là việc “làm hộ” cho Tổng cục Du lịch. Từ trước tới nay, trong ngành Ngoại giao đã có những chủ trương “ngoại giao làm kinh tế”, “ngoại giao làm văn hóa” và đã có những nơi làm rất tốt những nhiệm vụ này. Những nơi có nhiều Việt kiều được tổ chức tốt như Pháp, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Thái Lan... có sự chỉ đạo chặt chẽ của đại sứ quán, đã làm gia tăng số du khách của các nước này đến Việt Nam một cách mạnh mẽ. Lại có những vị đại sứ như ông Phạm Sanh Châu, vốn dĩ là Vụ trưởng Vụ UNESCO Bộ Ngoại giao, được cử đi làm Đại sứ ở Bỉ và kiêm nhiệm một số nước EU,đã quảng bá rất tốt cho Du lịch Việt Nam tại thị trường này. Có thể nêu nhiều dẫn chứng khác về việc kết hợp giữa ngoại giao và du lịch như vậy.
Tuy nhiên, có những khó khăn thực tế không dễ giải quyết của các cơ quan này.
Trước hết là những tài liệu, ấn phẩm để quảng bá du lịch. Do kinh phí còn hạn hẹp nên các cơ quan đại diện không thể đặt mua nhiều loại báo từ trong nước (trong đó có báo Du lịch và Tạp chí Du lịch Việt Nam). Biết chắc là bà con Việt kiều rất thích đọc, nhưng cơ quan đại diện không thể đặt mua, vì chỉ có thể tập trung vào một số tờ báo cần thiết. Thêm vào đó, tiền cước phí để chuyển được những số báo ra nước ngoài cũng rất cao. Xin kể một thực tiễn đã diễn ra: tại Cairo (Ai Cập), báo từ trong nước gửi ra thường chậm khoảng 15 đến 20 ngày. Một tờ tạp chí có giá bìa 5.000 đồng, nhưng tiền cước phí bưu điện gửi ra mất 12.000 đồng. Tôi kể điều này vì chính bản thân tôi đã “chứng kiến”, và đã phát biểu trong hơn một cuộc hội nghị liên tịch ở trong nước, nghe nhiều lời hứa hẹn, nhưng đến nay... là “nguyễn y vân” ! Ví dụ như cuốn Tạp chí Du lịch Việt Nam với giá bìa 15.000 đồng, giả dụ như Ban Biên tập có nhã ý gửi 1 cuốn sang Cairo để đại sứ quán ta giới thiệu với bà con Việt kiều, thì ít nhất Ban Biên tập phải chi thêm hơn 30.000 đồng cước phí bưu điện nữa.
Vẫn biết rằng trong thời buổi công nghệ thông tin này, cơ quan đại diện nào cũng có máy tính nối mạng internet, nhưng để quảng bá du lịch với người dân nước sở tại thì không thể chỉ qua mạng internet được. Bởi lẽ ở nhiều nước, internet còn phát triển chậm hơn ở ta. Ở các cơ quan đại diện của ta, nhiều nơi chỉ mong có được những tờ gấp nhỏ giới thiệu về du lịch Việt Nam, và mỗi khi có người đến xin thị thực nhập cảnh (visa) vào Việt Nam thì phát cho họ một tờ. Thế nhưng ngay cả loại tờ gấp này cũng không có, hoặc có rất ít. Đó là chưa kể các em học sinh, sinh viên nước sở tại thường thích thú và đến xin trực tiếp, mỗi khi có các cuộc thi tìm hiểu do nhà trường của các em đề ra.
Vậy có thể giải quyết những khó khăn này bằng cách nào, để góp phần vào công cuộc quảng bá du lịch cho đất nước? Theo tôi, trước mắt nên làm một số việc như sau:
Hiện nay, tất cả các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đều có đầy đủ địa chỉ, tên của người đứng đầu, số điện thoại, số fax và địa chỉ e.mail. Những chi tiết này có trong trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hoặc nếu có thể, Tạp chí Du lịch Việt Nam cho in lại trên 1 hoặc 2 trang của Tạp chí. Điều này rất cần thiết cho các Công ty lữ hành hoặc bất cứ ai có kế hoạch du lịch nước ngoài. Có địa chỉ cụ thể của cơ quan đại diện để khi cần thiết có người đứng ra bảo vệ lợi ích của mình.
Tổng cục Du lịch có thể liên hệ với từng đại sứ quán để gửi ra những tờ gấp quảng bá du lịch, hoặc nếu đại sứ quán có điều kiện (nhờ các trung tâm Hội của Việt kiều) in lại những tờ gấp đó để quảng bá du lịch. Việc scan hoặc in màu hiện nay dễ dàng hơn trước kia rất nhiều.
Trên các tờ gấp, không chỉ có hình ảnh và giới thiệu ngắn gọn, xúc tích về các địa danh du lịch, mà còn cần giới thiệu tóm tắt những điều thiết thực cho một du khách nước ngoài. Chẳng hạn: giờ giấc, chênh lệch múi giờ so với GMT, giờ làm việc (nếu phải đến cơ quan lãnh sự); ngôn ngữ có thể dùng ở đường phố; các loại card, séc... có thể dùng ở Việt Nam; những nơi liên hệ khi có trục trặc; thời tiết trung bình từng mùa ở Việt Nam…
Đôi điều nêu lên để góp phần vào công việc chung, để các cơ quan chức năng về du lịch có thể tận dụng một chiếc cầu nối cho công tác quảng bá du lịch là các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Nguyễn Lê Bách