Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống ma túy (26/6), vừa qua tại tỉnh Hải Dương, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức "Hội nghị trao đổi kinh nghiệm phòng chống ma túy tại cộng đồng dân cư, hưởng ứng đợt cao điểm phòng chống ma túy năm 2008".

Hội nghị đã nghe 12 báo cáo tham luận về vai trò của Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Nhìn chung, các ý kiến tham luận đều khẳng định hiệu quả thiết thực trong việc lồng ghép thực hiện công tác phòng chống ma túy gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Kinh nghiệm cho thấy ở những địa phương nào thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phát huy được sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng chống ma túy và nắm chắc số người mắc nghiện để tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đến cả 2 nhóm đối tượng là người chưa mắc nghiện và người đã mắc nghiện. Đồng thời, có các biện pháp giúp đỡ người cai nghiện tái hòa nhập với cộng đồng và tạo việc làm sau cai nghiện thì ở đó, công tác phòng chống ma túy có những chuyển biến tích cực, và đã được ngăn chặn, đẩy lùi.
Các báo cáo tham luận đã nêu được nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả của nhiều khu dân cư trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Năm 2002, khi xây dựng quy ước của khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận đã lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và đưa nội dung phòng chống ma túy vào quy ước để tất các gia đình đều có trách nhiệm thực hiện, Chi uỷ, chính quyền cơ sở, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp tuyên truyền liên tục về tác hại của việc sử dụng ma túy dưới nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Ban Công tác Mặt trận của khu dân cư đã thành lập 4 tổ công tác với các thành viên là trưởng các ban, ngành, đoàn thể và một số người có uy tín trong cộng đồng dân cư, mỗi tổ phụ trách 1 đối tượng nghiện để cảm hoá giáo dục, giúp đỡ. Một tháng một lần, các thành viên trong tổ công tác trực tiếp đến kết hợp với gia đình gặp gỡ đối tượng mắc nghiện để vận động cai nghiện, động viên biểu dương những mặt tiến bộ và giúp đỡ người nghiện khắc phục những điểm yếu kém và tự nguyện cam kết thực hiện thông qua "Bản giao ước giúp đỡ người lầm lỗi". Ngoài ra, các tổ công tác còn tích cực phối hợp với cảnh sát khu vực trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng để phát hiện những đối tượng đang cư trú trên địa bàn; vận động người nghiện đến trụ sở công an phường để kiểm tra, xét nghiệm xác định kết quả cai nghiện ma túy theo định kỳ.
P.V