Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đánh giá cao bà Pauline Tamesis cùng đoàn công tác của Cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam có chuyến thăm và làm việc tại Bộ VHTTDL. Đề cập đến một số hoạt động hợp tác giữa Bộ VHTTDL và các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, giai đoạn 2016 – 2021, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã hỗ trợ Bộ VHTTDL thông qua dự án VNM9P05 do Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội làm đầu mối. Các hoạt động Bộ VHTTDL triển khai tập trung vào truyền thông, vận động chính sách, xây dựng chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình như: “Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”… Giai đoạn 2022 – 2026, UNFPA tiếp tục hỗ trợ Bộ VHTTDL thông qua dự án VNM10P05 do Trung ương Hội Nông dân làm đầu mối xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); xây dựng văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Với UNESCO, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các Công ước UNESCO mà Bộ VHTTDL chủ trì như Công ước 1970, 1972, 2003, 2005 và Công ước về phòng chống doping trong thể thao. Đáng chú ý, 3 hoạt động triển khai thực hiện nằm trong top 10 sự kiện tiêu biểu của ngành VHTTDL năm 2022…

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thế giới của UNESCO về Chính sách văn hóa và phát triển bền vững MONDIACULT 2022 vào tháng 9/2022 tại Mexico. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa 2030 nhằm rà soát hệ thống dữ liệu thống kê văn hóa. Việt Nam cũng đã đánh giá toàn diện khuôn khổ chính sách, các chương trình phát triển văn hóa hiện có trên thực tiễn, làm căn cứ cho việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các chủ trương, chính sách liên quan.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Việt Nam đã có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, có Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. “Việc ban hành, triển khai hiệu quả Chương trình đã cho thấy sự quan tâm đúng mức, quyết tâm hành động của Đảng, Nhà nước trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp văn hóa trở thành kế sinh nhai cho bà con. Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy vai trò, là người tự quảng bá, giới thiệu văn hóa và trực tiếp tham gia vào công cuộc giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Việc mở các lớp truyền dạy nghề cũng được Bộ VHTTDL thực hiện nhằm tránh “đứt gãy” thế hệ trong bảo tồn, phát huy di sản. Cùng với đó là sự quan tâm và triển khai thực hiện các vấn đề về Văn hóa đối ngoại. Trong phòng, chống bạo lực gia đình, Việt Nam luôn coi gia đình là tế bào của xã hội, đúng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hạt nhân của xã hội là gia đình…”; Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc có sự hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong đó, có việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của thế hệ trẻ; tăng cường hợp tác VHTTL giữa Việt Nam với các cơ quan Liên Hợp quốc, hướng đến đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Thứ trưởng cũng mong muốn UNESCO tăng cường hỗ trợ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia triển khai hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ giáo dục nhận thức và chuyển đổi hành vi; hỗ trợ Bộ VHTTDL triển khai dự án Xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới. Mặt khác, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị UNESCO giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản tư liệu ở Việt Nam; cử chuyên gia có kinh nghiệm giúp đỡ Việt Nam xây dựng các hồ sơ đề cử là di sản thế giới, di sản tư liệu khu vực và thế giới. Đề nghị UNESCO phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký tức thế giới Việt Nam biên tập, xuất bản các tài liệu, ấn phẩm về bảo vệ, phát huy di sản tư liệu. “Việt Nam cũng cần UNESCO giúp đỡ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đây là việc làm lâu dài nhưng cần làm ngay, thường xuyên và liên tục” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trao đổi tại buổi làm việc, bà Pauline Tamesis ghi nhận, đánh giá cao Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các hoạt động phát triển văn hóa; thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển văn hóa khi đặt văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế - chính trị - xã hội. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã luôn quan tâm đến việc bảo vệ, phát huy tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa; hướng đến phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Minh chứng là Bộ VHTTDL Việt Nam luôn tập trung vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển bền vững văn hóa, gắn kết đồng bào dân tộc thiểu số với các giá trị di sản văn hóa. “Trong thời gian tới, Liên Hợp quốc và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, giúp đỡ Việt Nam phát triển văn hóa. Một trong những hướng đi Liên Hợp quốc muốn Việt Nam thực hiện là thúc đẩy, trao quyền cho giới trẻ trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản” - bà Pauline Tamesis chia sẻ.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cũng nhận định, thông qua các hoạt động, UNESCO nhận thấy Việt Nam là quốc gia rất coi trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. “UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực này. UNESCO sẽ có những tư vấn kịp thời, hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các hồ sơ di sản” - ông Christian Manhart khẳng định.
Tuấn Hải