Báo động lượng rác thải nhựa trong du lịch
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ước tính lượng rác thải nhựa (RTN) và núi ni lông của cả nước chiếm khoảng 10-12% rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt tại một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Theo UNEP, năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển từ 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Sự phát triển du lịch, đặc biệt là sự tăng trưởng cao của lượng khách du lịch sẽ xả thải lượng lớn RTN. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia có lượng lớn RTN xả ra biển. Việt Nam có 4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất là: Y tế và vệ sinh, xếp hạng 73; Hạ tầng dịch vụ du lịch, xếp hạng 86; Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch, xếp hạng 87; Sự bền vững về môi trường, xếp hạng 94.
Sự tăng trưởng cao lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả thải lượng lớn chất thải, trong đó có RTN. Nghiên cứu của Viện cũng đưa ra nhiều con số đáng báo động, chẳng hạn năm 2019, với hơn 61 triệu lượt khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), lượng rác thải nhựa tại Việt Nam là 116.144 tấn/năm. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là RTN. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối phó với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là RTN: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Sầm Sơn (Thanh Hóa) trung bình 105 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 24%; Đà Nẵng là 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Phú Quốc (Kiên Giang) là 155 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 19%...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh RTN từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Sự tồn tại của RTN mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch; RTN làm giảm chất lượng hoặc mất đi các sản phẩm du lịch biển, đảo; làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
“Vấn đề môi trường tại các điểm du lịch luôn là vấn đề nóng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương, đồng thời cũng là một trong những lý do khiến khách du lịch “một đi không trở lại”... Vì vậy, triển khai dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam là việc làm vô cùng quan trọng, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Du lịch trong bảo vệ môi trường bởi đối tượng hướng đến của Dự án là những người kinh doanh du lịch và cả du khách. Nếu người kinh doanh du lịch làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch và du khách cũng sẽ ý thức hơn để bảo vệ môi trường vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh, tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành Du lịch”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ.
Chung tay chống rác thải nhựa
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Ngoài ra, Quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành tại Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, dự án này gồm ba hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch. Đối tượng hướng đến của dự án là đối tượng kinh doanh du lịch, hoạt động lịch.
Theo ông Bình, dự án là bước ngoặt trong hoạt động môi trường của ngành Du lịch. Trong đó, những tiêu chuẩn, quy chế để giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch sẽ được ban hành, tiến tới nhiều địa phương đạt danh hiệu cơ sở du lịch nói không với rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện UNDP tại Việt Nam, kỳ vọng vào tiềm năng mở ra những dự án hợp tác mới với cộng đồng doanh nghiệp du lịch, bởi Hiệp hội Du lịch Việt Nam có các thành viên tại 57 tỉnh, thành, với khoảng 15.000-16.000 doanh nghiệp hội viên. "Với những gì khuyến nghị trong dự án rác thải nhựa này, chúng tôi sẽ chuyển tới các tỉnh và có hệ thống kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa các bài học cụ thể từ quốc tế. Đặc biệt, bài học của Việt Nam qua dự án sẽ giúp chúng tôi hình thành những kinh nghiệm quốc tế, chuyển tải những khuyến nghị quốc tế để đưa vào quá trình đàm phán cho ra đời hiệp định về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương". Bà Huyền chia sẻ thêm.
Là địa phương thực hiện thí điểm đầu tiên của dự án, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn bày tỏ, để triển khai dự án hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người dân, du khách và doanh nghiệp trong việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị triển khai du lịch xanh, không sử dụng chất thải nhựa. Việc này cần phải được cộng điểm khi đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Phạm Duy Phong chia sẻ, địa phương sẽ tập trung thu gom rác thải, tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác thải.
Bàn về các giải pháp giúp giảm thiểu RTN trong hoạt động du lịch, TS. Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch; xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển...
Nhâm Hiền