Tiên phong phát triển du lịch xanh, giảm thiểu rác thải
Để tạo hướng đi bền vững, ngành Du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh. Nhiều chủ trương, định hướng về phát triển du lịch xanh đã được ban hành: Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025, Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 04/12/2021 về Bộ tiêu chí du lịch xanh; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 24/3/2022 về tăng cường hưởng ứng và thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Thành phố Hội An cũng đã tích cực tranh thủ, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Xây dựng & Thúc đẩy Phát triển Bền vững để giới thiệu, thực hiện các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh du lịch. Hội An thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện như Lễ phát động Xây dựng Hội An – Điểm đến xanh, trồng cây xanh, phong trào làm cho môi trường sạch hơn; hưởng ứng Giờ trái đất… và tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm tham vấn các bên liên quan về quản lý rác thải nhựa, thực hành giảm thiểu rác thải nhựa đối với các cơ sở lưu trú du lịch, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh, bảo vệ môi trường tại điểm đến…
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng đã tổ chức vận động các doanh nghiệp du lịch tiên phong tham gia Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam; phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo về phát triển du lịch bền vững Quảng Nam: tổ chức Hội thảo với chủ đề “Du lịch không rác thải nhựa” năm 2019 nhằm mục tiêu xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững ở Quảng Nam; tổ chức Tuần du lịch xanh năm 2022 với nhiều hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh liên quan đến hạn chế rác thải nhựa hiệu quả, được du khách đón nhận như: mô hình nông nghiệp hữu cơ Thanh Đông (thành phố Hội An); mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống, sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe của Công ty TNHH EMIC Travel; mô hình cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành thu gom và tái chế, sản xuất chất thải rắn thành các sản phẩm gia dụng và phục vụ du lịch; cửa hàng Đong Đầy (Refillables) nơi đang thực hiện mô hình tái sử dụng sản phẩm và mua sắm không bao bì; nhà hàng Chùm Ngây, nơi đang thực hiện mô hình tái chế rác hữu cơ đô thị và cho cơ sở kinh doanh; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Nhà hàng CocoCasa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa; tour phục vụ du khách "Một ngày làm nông dân phố Hội" ở các vùng ven như làng Trà Quế, An Mỹ, Cẩm Nam, rừng dừa Bảy Mẫu, làng chài Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà...
Kiên trì với mục tiêu tăng trưởng xanh
Để tiếp tục triển khai định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trong thời gian đến, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, Quảng Nam tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp du lịch về việc quản lý rác thải nhựa, thực hành giảm thiểu rác thải nhựa; tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh, bền vững từ các doanh nghiệp tiên phong điển hình cho cộng đồng…
Triển khai vận động, tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tái chế rác thải nhựa, hướng đến tham gia thực hành đánh giá, chấm điểm theo Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Bên cạnh đó đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về du lịch xanh; các kỹ năng điều hành, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch thực hiện mô hình du lịch không rác thải nhựa, mô hình du lịch xanh, bền vững; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các đối tượng tiếp cận các phương pháp, mô hình xây dựng sản phẩm du lịch xanh tại các địa phương trong và ngoài nước có mô hình du lịch xanh tiêu biểu; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển mạnh mô hình du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh Quảng Nam.
Song song với đó, Quảng Nam liên kết, hợp tác với các địa phương trong cả nước đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch xanh; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ để khai thác tối đa những lợi thế của du lịch mỗi địa phương, phù hợp với bối cảnh thị trường; đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế tạo nguồn lực phát triển du lịch xanh; phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch xanh; thực hiện các kế hoạch, phương án ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; các chương trình bảo vệ môi trường, hành động về rác thải nhựa, chương trình mục tiêu tăng trưởng xanh. Xây dựng mô hình du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân học tập, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, Quảng Nam cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch xanh Quảng Nam trong và ngoài nước; triển khai, vận động các doanh nghiệp hướng đến sản xuất quà tặng lưu niệm từ các vật liệu xanh, thân thiện môi trường để phục vụ quảng bá thu hút du khách; xây dựng phim, vlog quảng cáo du lịch không rác thải nhựa, du lịch xanh để quảng bá trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông...
Lan Phương