Chuyển đổi số góp phần phát triển du lịch bền vững hơn
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa cùng sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi... hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng những thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới. Chuyển đổi số cũng như tăng cường hợp tác trên môi trường số là lựa chọn đúng đắn cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ số để nỗ lực duy trì hoạt động nhằm thích ứng linh hoạt, phát triển bền vững.
Với tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trên môi trường số, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu mong muốn đại biểu tập trung thảo luận các nhóm giải pháp để tăng cường hợp tác, tạo điều kiện, nâng cao trải nghiệm của du khách: xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên nền tảng số; đẩy mạnh hoạt động giao dịch, thương mại điện tử trong du lịch; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nhân lực về ứng dụng công nghệ trên môi trường số.
Cùng sự đồng thuận và quyết tâm lớn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tin tưởng rằng trong thời gian tới các chủ thể du lịch sẽ hợp tác mạnh mẽ trên môi trường số, giúp du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về hoạt động chuyển đổi số trong du lịch, TCDL đã xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; xây dựng trục kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; chuyển đổi số gắn kết với Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN; đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Một số địa phương và doanh nghiệp du lịch lớn cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ trong nhiều hoạt động, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hoá cùng các doanh nghiệp như VinGroup, SunGroup, Sovico đã tiên phong xây dựng hệ sinh thái tiện ích thông minh một cách hệ thống, bài bản...
Đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch
Với mục đích đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố trong việc số hóa hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sau đại dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng chia sẻ, Sở Du lịch Hải Phòng phối hợp với Traveloka ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến Hải Phòng, tạo thêm mộtkênh quảng bá hữu hiệu, đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch của doanh nghiệp đến với du khách nhanh chóng, tạo ra những giao dịch thuận lợi, uy tín, minh bạch nhất cho khách hàng. Ngoài ra, nhằm mang lại những trải nghiệm trọn vẹn cho du khách khi tới Hải Phòng, Sở Du lịch đã xây dựng Bản đồ số “Hải Phòng City Tour” với địa chỉ www.haiphongcitytour.vn theo xu hướng trẻ trung, hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dùng, thu hút hàng vạn lượt truy cập, tìm kiếm thông tin và nhận được những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp và khách du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hải Phòng còn phát động Chiến dịch “HelloHaiPhong” trên nền tảng TikTok nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hoá, ẩm thực,... của thành phố Hải Phòng. Hiện chiến dịch “HelloHaiPhong” đã thu hút được 2.500 video quảng bá và hàng trăm triệu lượt xem. Cùng với những nỗ lực trong chuyển đổi số, một số sản phẩm du lịch đã tạo hiệu ứng tích cực, có sức hút cao như du lịch thể thao Golf, du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Foodtour Hải Phòng đã tạo được thành công bước đầu về thu hút khách du lịch nhất là đối với giới trẻ học sinh, sinh viên. Điều đó cho thấy việc đổi mới, chuyển đổi số trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch Hải Phòng đã có những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, việc chuyển đối số trong lĩnh vực du lịch cũng mang lại những khó khăn nhất định khi ứng dụng, triển khai. Theo Giám đốc chính sách công Traveloka Việt Nam Đỗ Khánh Ly, với vai trò là một doanh nghiệp, một nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam, Traveloka thấy rằng phần lớn những nhà cung cấp dịch vụ đều nhất trí việc chuyển đổi số là cấp thiết, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính vì vậy khó khăn ở đây là thiếu nguồn lực, chưa có kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bên...
Tại địa phương, việc chuyển đổi số của ngành Du lịch Hải Phòng hiện cũng đang gặp phải khá nhiều khó khăn như: nhận thức của một số chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số chưa cao; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nguồn vốn cạn kiệt sau ảnh hưởng của đại dịch; các giải pháp công nghệ liên tục phát triển dẫn đến liên tục phát sinh các giải pháp mới gây khó khăn cho sự chuyển đổi bền vững…
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Giám đốc Traveloka Việt Nam Huỳnh Thị Mai Thy cho rằng, để tăng cường hợp tác trên môi trường số, các chủ thể du lịch nên hướng đến giới thiệu những sản phẩm mới, ứng dụng mới tới khách hàng để họ có thể sử dụng sản phẩm của Traveloka hoặc các nền tảng khác ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Hiện Traveloka đã có mặt ở 6 quốc gia Đông Nam Á, trong giai đoạn dịch COVID-19 đối tượng khách của Traveloka là khách nội địa, tuy nhiên từ đầu năm 2022, Traveloka đã mở rộng tới hàng trăm đối tác, doanh nghiệp qua nền tảng số. Là một công ty toàn cầu, Traveloka hy vọng sẽ được đồng hành cùng các chương trình của Chính phủ để giới thiệu với bạn bè quốc tế đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn; qua đó, tạo ra nhiều doanh thu cho các doanh nghiệp trong nước, bởi du lịch phát triển sẽ kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển./.
Thảo Anh