Trong bối cảnh công nghệ ngày nay có bước phát triển vượt bậc, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản đã không dừng lại ở việc đơn giản là đưa dữ liệu lên internet. Vì thế vấn đề đặt ra là phải luôn tìm tòi, thử nghiệm ứng dụng mới để di sản được tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau trên môi trường số, từ đó tạo giá trị gia tăng từ di sản và cho di sản. Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality- VR) đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được dự báo sẽ trở thành một xu hướng mới. Với sự trợ giúp của kính đeo VR, tai nghe, người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các cảnh quan. Hầu hết các di tích lớn trên thế giới như: đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan, Myanmar), cung điện Al Azem Palace (Damascus, Syria), thành phố cổ Chichen Itza (Mexico)... đều đã ứng dụng công nghệ này.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số đang ngày càng chứng tỏ tính ưu việt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy còn nhiều mới mẻ, nhưng đã có không ít bảo tàng, di tích triển khai thực hiện, góp phần tăng sức hút cho điểm đến như Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội,... với những triển lãm cùng sản phẩm trưng bày, cách kể chuyện sinh động kết hợp với ứng dụng công nghệ thực tế ảo đầy choáng ngợp; thay thế hoàn toàn cách chú thích truyền thống bằng động tác quét mã thẻ nhanh gọn với điện thoại cá nhân, để khai thác thông tin hiện vật,. Điểm nổi bật ở đây chính là hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại được trang bị cho hoạt động giáo dục di sản, như: Máy chiếu, máy tính bảng phục vụ hoạt động trình chiếu clip; thuyết trình phim, ảnh tư liệu về di tích, tài liệu hiện vật,. Nhiều địa chỉ văn hóa khác ở Hà Nội cũng như trên cả nước cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Bởi, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày, triển lãm tại bảo tàng, di tích sẽ tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn, cuốn hút công chúng hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp mà các bảo tàng, di tích cần chú trọng đầu tư trong thời gian tới, nhằm tăng cường quảng bá, cung cấp nhiều hơn những cơ hội khám phá di sản thông qua các ứng dụng công nghệ cho công chúng...
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 12/11/2021 đã khẳng định quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; thích ứng xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại... Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030; thực hiện “Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2017-2020” theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian gần đây, các bảo tàng, di tích ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các chương trình thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau... đã xuất hiện ở nước ta ngày một nhiều. Công nghệ quét và in 3D cũng được sử dụng rộng rãi hơn nhằm phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, từ trưng bày, nghiên cứu... đến bán hàng lưu niệm. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã và đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả hơn.
Với những tiện ích kể trên, có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung và di sản Hồ Chí Minh nói riêng. Vì vậy, Khu Di tích cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này và cần có những định hướng phù hợp để đưa ứng dụng công nghệ vào việc giáo dục di sản Hồ Chí Minh một cách hiệu quả. Các chương trình giáo dục về di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích khi được xây dựng kết hợp với ứng dụng công nghệ sẽ đưa đến nhiều đối tượng người xem, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên,. Đây chính là cách đưa di sản Hồ Chí Minh đến gần với công chúng hơn, tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý mà không cần trực tiếp đến tận nơi.
Để làm tốt hơn điều này, việc “số hóa” di sản về Hồ Chí Minh tại Khu Di tích là bước đi quan trọng vừa góp phần lưu giữ hình ảnh, tư liệu, vừa mang di sản về Người đến gần hơn với công chúng. Khu Di tích cần có định hướng xây dựng những chương trình ứng dụng công nghệ dễ sử dụng với thiết bị cầm tay thông minh; đồng thời, tích cực vận dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường hiệu quả truyền tải những thông điệp, ý nghĩa của vật trưng bày đến người xem. Ứng dụng công nghệ ở đây không chỉ là sao chép một bản sao điện tử của một trưng bày, một hiện vật hay một di tích hiện có tại Khu Di tích để đưa lên mạng internet mà cần tạo ra các kênh thông tin đã qua nghiên cứu để giúp thông điệp của trưng bày, hiện vật hay di tích đó đến với công chúng hiệu quả, gần gũi và chính xác. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giáo dục di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích không nên chỉ là việc thông báo hiện nay Khu Di tích đang có di tích, hiện vật hay trưng bày chuyên đề nào, mà cần gợi mở cho công chúng hiểu rõ hơn và yêu quý, mong muốn được đến tận nơi tham quan, tìm hiểu thực tế. Cụ thể là:
1. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày chuyên đề, triển lãm và trang thông tin điện tử (website):
Những cán bộ trực tiếp xây dựng nội dung trưng bày, triển lãm là người nắm giữ kiến thức sâu rộng về chuyên đề. Tuy nhiên, việc chuyển tải toàn bộ nội dung trưng bày đến từng cá nhân khách tham quan là điều rất khó. Khi khách đến tham quan Khu Di tích, nội dung các di tích, tài liệu hiện vật được trưng bày trong các nhà di tích hay triển lãm, trưng bày chuyên đề đều do khách tự cảm nhận hoặc qua lời hướng dẫn viên tại điểm (thường sẽ không phải người làm trưng bày). Tuy nhiên, kênh thông tin này không hướng được tới nhiều khách tham quan có mong muốn tìm hiểu. Điều này có th��� làm được với việc ứng dụng công nghệ, đưa hình ảnh 3 chiều di tích, tài liệu hiện vật trong không gian như thật và trưng bày chuyên đề trên nền tảng ảo với lời thuyết minh đầy đủ thông tin hữu ích, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Việc này có thể tích hợp trên nền tảng website của Khu Di tích với nhiều ứng dụng khác nhau hướng đến nhiều lứa tuổi: người già có thể đọc các văn bản, người trẻ có thể tương tác các ứng dụng cảm ứng nghe nhìn, người khiếm thị có thể nghe từ các ứng dụng nghe đọc,...
Khách tham quan hiện nay có xu hướng tiếp cận thông tin nhanh, trực tiếp, được tự lựa chọn thông tin, trải nghiệm cùng sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ hiện đại. Vì vậy, Khu Di tích cần từng bước nâng cấp trang thông tin điện tử để cập nhật xu hướng này. Bên cạnh đó, việc đưa các di tích, hiện vật, câu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ đến gần với công chúng hơn qua các ứng dụng trên thiết bị cá nhân thông minh, các trò chơi tương tác cho đối tượng trẻ nhỏ, mở các phòng triển lãm, trưng bày ảo với nội dung phong phú, gần gũi mang tính gợi mở, thu hút mong muốn trải nghiệm thực tế của khách tham quan là việc làm cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Các ứng dụng này không đơn thuần chỉ cung cấp các bài thuyết minh thụ động như trước đây (audio guide) mà thực sự trở thành “hướng dẫn viên” ảo cho mỗi cá nhân khách tham quan với yêu cầu cá nhân hóa hoàn toàn. Thông qua các kênh công nghệ, khách tham quan có thể tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp, thậm chí có thể kết nối những khách tham quan có cùng mối quan tâm tới một di tích, một hiện vật, một câu chuyện hoặc nội dung trưng bày nào đó. Bên cạnh đó, khách tham quan có thể tự tìm hiểu về tuyến tham quan, hàng lưu niệm, nơi dừng nghỉ, lối ra,... Những ứng dụng công nghệ này sẽ đem lại những trải nghiệm mới lạ cho khách tham quan, giúp họ có những trải nghiệm trước, trong và sau khi tham quan được hiệu quả, thân thiện và đáng nhớ.
2. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích:
Trong việc giáo dục di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích, ứng dụng công nghệ là trợ lý đắc lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Sau khi Khu Di tích xây dựng được các chương trình giáo dục cho nhiều đối tượng thì những nội dung số thông minh như hộp thoại chia sẻ thông tin cá nhân, diễn đàn trao đổi hay các chương trình khám phá, tìm hiểu về tự nhiên, lịch sử,. sẽ kết nối thân thiện với khách tham quan, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên với nhiều chương trình giáo dục di sản về Bác Hồ gắn với chương trình giáo dục phổ thông. Hệ thống bài giới thiệu trưng bày với ứng dụng tương tác, hỏi - đáp, trao đổi trực tiếp, riêng tư giữa khách tham quan với trưng bày cũng dễ dàng truyền tải cảm xúc, nội dung của trưng bày, tạo hứng thú chủ động trong tiếp nhận kiến thức mới, hạn chế những định kiến về sự nhàm chán khi đến di tích.
Đồng thời, những thông tin thu thập được cũng sẽ giúp Khu Di tích từng bước có được cơ sở dữ liệu lớn (big data) về hiện trạng khách tham quan để phân định nhóm tham quan. Từ đó, Khu Di tích sẽ xây dựng được các chương trình giáo dục di sản Hồ Chí Minh hiệu quả và thu hút hơn. Khách tham quan đến Khu Di tích sẽ không chỉ được chia theo nhóm giới tính, lứa tuổi, mà với cơ sở dữ liệu big data Khu Di tích dễ dàng phân định nhóm khách tham quan theo nhiều tiêu chí khác nhau như: nhóm những người thích đọc (các nhà nghiên cứu, chuyên gia, người lớn tuổi,..); nhóm những người thích công nghệ (học sinh, sinh viên), nhóm yêu thiên nhiên,... để phục vụ và thu hút được nhiều đối tượng khách tham quan đến Khu Di tích thông qua các chương trình giáo dục di sản phù hợp.
Hiện nay, Khu Di tích cũng bước đầu vượt khó, nỗ lực để có thể tiếp cận thành quả công nghệ mới trong việc tạo ra các giá trị gia tăng bền vững từ di sản Bác Hồ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như: kế thừa và học hỏi những thành quả của việc ứng dụng công nghệ trên thế giới và Việt Nam trong việc giáo dục di sản, Khu Di tích hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Nền tảng công nghệ của các đơn vị có di sản nói chung và của Khu Di tích nói riêng chưa phải là thế mạnh bởi hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu chưa được số hóa, hoặc đã được số hóa về di sản nhưng còn mỏng, thiếu nhiều thông tin. Từ chính sách đến thực tế là một “chặng đường” rất dài, đặc biệt sau 2 năm trải qua đại dịch Covid 19, kinh phí hạn chế và thiếu nguồn nhân lực có trình độ công nghệ, thật sự hiểu rõ và nhanh nhạy trong cập nhật các xu hướng công nghệ mới là khó khăn rất lớn đối với việc ứng dụng công nghệ vào việc giáo dục di sản tại Khu Di tích. Để hoàn thành việc xây dựng một di tích bằng công nghệ đòi hỏi các cứ liệu lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc... phải chính xác, tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đây là cơ hội để tìm tòi, phát triển một sản phẩm văn hóa có giá trị, nhưng cũng là thách thức bởi đòi hỏi trình độ, thời gian, công sức và sự đam mê rất lớn. Bên cạnh đó, kinh phí để phục vụ cho một dự án có thể kéo dài đến hàng chục năm là không hề nhỏ.
Dù có rất nhiều khó khăn song khẳng định rằng việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích là hướng đi đúng đắn. Công nghệ dù “ảo” nhưng có thể mang đến những giá trị “thật”, thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện đại, được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy ngành “công nghiệp không khói”, mang về nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách. Vì thế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản về Bác Hồ là rất cần thiết và cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học, có sự phối hợp linh hoạt giữa các phòng, các đơn vị liên quan. Đầu tiên là giải bài toán đầu tư kinh phí cho ứng dụng để công nghệ phát triển, cập nhật liên tục. Theo đó, Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để Khu Di tích có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ; tìm tòi phương hướng đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ... Đồng thời, đầu tư phát triển nguồn lực con người cũng là yếu tố then chốt. Bên cạnh một đội ngũ có trình độ chuyên môn về di sản, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ, từ đó có sự phối hợp hiệu quả. Đồng thời, cần đẩy nhanh công tác số hóa cơ sở dữ liệu của các di sản, tạo một hệ thống dữ liệu dày dặn, chính xác, khoa học nhằm rút ngắn thời gian thu thập dữ liệu của các dự án ứng dụng công nghệ tái hiện di sản.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói riêng và các bảo tàng, di tích nói chung đang phải đối mặt với nhiều tác động và thách thức. Việc xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ sẽ giúp hoạt động của di tích trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan. Việc ứng dụng công nghệ số nếu làm tốt sẽ tạo sự độc đáo cho sản phẩm văn hóa, vừa giáo dục di sản Hồ Chí Minh hiệu quả, vừa phát huy, vừa bảo tồn tốt Khu Di tích về Người tại Phủ Chủ tịch.