Đầu xuân ngày trước, bà con ra dâng nhang lễ Phật, hay khách xa gần về hành hương, vãn cảnh, ai cũng mong muốn tham dự tục bói tượng. Các pho tượng đứng, ngồi, thiền định, cười tươi hay trang nghiêm dọc theo hành lang và phân bố trên các ban thờ ở chính điện. Vậy là từ “lưng chùa”, nam giới vào cửa bên trái, nữ giới vào cửa bên phải, hãy bước đi, cứ số tuổi mình năm đó mà đếm tượng. Đến pho tượng có số thứ tự bằng với số tuổi của mình thì dừng lại. Đứa ấu nhi thì chắc chỉ “loanh quanh” với hàng la hán bên này. Các cụ già có khi lại “phiêu” sang dãy la hán bên kia. Thanh niên chắc dừng ở mấy pho kim cương, hộ pháp… Nhà chùa có cuốn sách cổ, xem trong đó sẽ biết rằng, ứng với pho tượng mình vừa dừng lại ấy thì năm đó chuyện lành, dữ, tốt, xấu sẽ thế nào, để mà phòng, tránh, mà giữ gìn, sửa mình từ lời ăn tiếng nói sửa đi…
Có lẽ cũng do ý muốn người xưa muốn ra để ngẫm ngợi mà hướng con người đến tâm thiện. Chỉ tiếc là tục ấy lâu rồi không còn nữa, bởi tượng thì vẫn đấy, mà cuốn sách cổ của chùa đã đi đâu... Mất cuốn sách là mất một tư liệu quý, cho biết rõ hơn về một phong tục, một nếp sinh hoạt văn hóa gắn liền với di sản chùa Nôm.
Cũng giống như cái tên làng Nôm gắn với một số câu ca dao, mà khi đọc lên, nhắc đến, người ta thấy hồn vía không gian cổ kính nơi này càng sống động: “Cái Bống đi chợ cầu Nôm/Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng/Cái Tôm nổi giận đùng đùng/Nó ra ngoài biển lấy chồng lái buôn”. Một câu khác nghe lại “ghê ghê”: “Đồng nát thời về cầu Nôm/Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Câu này trong chèo “Quan Âm Thị Kính”, là của Sùng Bà đuổi Thị Kính vào cái đêm oan nghiệt cắt râu cho chồng nhưng bị tưởng lầm có mưu gian sát phu. Chuyện vui, chuyện hóm, chuyện buồn thương, xót xa, từ cõi văn hóa dân gian muôn sắc màu kỳ ảo, hóa ra cứ sóng đôi nhau mà đi trong tâm trí người ta lâu dài.
Anh bạn quê ở xứ Đoài kể, làng anh vẫn còn hai “ông” chó đá. Một “ông” to ngồi ngoài cổng đầu làng, “ông” nhỏ “canh” cuối làng. Hai “ông” ở lâu với làng qua bao thăng trầm, loạn lạc, khổ sở, sung túc, nay vẫn được người làng yêu kính lắm! Ngày tết hay dịp lễ trọng trong năm, người ta vẫn bày mâm lễ vật dâng chó đá, đặt xuống trước mặt, lại đeo cả vòng hoa lên cổ hai “ông”.
Tôi đã nghe các liền anh, liền chị làng Tiêu Long, xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh hát bài “Vào chùa” ở đình làng trong ngày hội xuân. Đội quan họ giữ nếp lễ đình trước khi ra hát. Trang phục quan họ chỉnh tề, mọi người thắp hương, trong khói trầm thơm đứng dàn hàng phía trước ban thờ, hát dõng dạc, chỗ nào có chữ “chùa” thì chỉ cần thay bằng “đình” thôi. Thế nên ở đình vẫn có thể: “Vào đình mượn chiếu đình ra em ngồi…/Vào đình mượn đĩa đình ra têm trầu…”. Thật tự nhiên, thật tươi tắn! Nhiều làng khác cũng thế.
Các làng quan họ hay có tục đón bạn về chơi, đón quan họ về ca ngày tết, ngày hội xuân. Hội quanh ba tháng xuân, dày nhất là từ mùng bốn tết cho đến đầu tháng hai âm lịch. Cho nên đi đâu cũng thấy tiếng hát vẳng ra từ nhiều ngôi nhà, như mời gọi, níu giữ.
Mùa xuân, du khách có thể dạo quanh các làng cổ để tìm hiểu những phong tục đẹp, chiêm bái cảnh vật và suy ngẫm về chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Quang Hưng
(Tạp chí Du lịch)