Ký ức về con đò
Tam Giang là tên gọi vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, nơi hợp lưu của ba con sông: sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu. Vạn đò Tam Giang chỉ nơi tập trung nhiều hộ sống trên đò về một chỗ. Mỗi hộ có quê quán khác nhau, nhưng giống nhau ở công việc, nghề nghiệp mưu sinh. Mỗi vạn phải bầu cử một người chủ vạn, để giải quyết công việc nội bộ khi gặp tranh chấp, mâu thuẫn, đối ngoại khi làm việc với chính quyền. Chủ vạn tương đương cấp trưởng thôn, đại diện dân trong lễ cúng tế thần sông, thần biển. Muốn trúng cử làm chủ vạn phải hội đủ điều kiện kinh tế gia đình đầy đủ, gương mẫu trong cuộc sống, được chính quyền địa phương (cấp xã) tín nhiệm.
Từ năm 2008, những hộ đò đầu tiên (sông Hương, Kim Long, Vỹ Dạ) ở Thừa Thiên - Huế được lên bờ định cư. Được cấp đất làm nhà, ổn định cuộc sống, con đò bấy giờ thuần tuý là phương tiện để đánh bắt thuỷ sản, không còn làm chỗ ở cho gia đình như xưa nữa. Các tập tục ngày tết của cư dân vạn đò từ đó dần dần nhạt phai, thay vào đó là các tập quán mới, học theo dân làng nơi họ định cư. Họ bắt đầu lễ tế làng nếu có đình làng, đầu năm chọn ngày tốt xuất hành đi đánh cá…
Từ năm 1975 trở về trước, dân vạn đò vốn mê tín vì sống trên đầm phà mênh mông, thường xuyên bị giông tố, cuồng phong đe dọa. Họ tôn thờ Hà Bá, ông Thiên (Trời), thần sông, thần đầm phá. Con đò vẫn có bàn thờ tuy đơn giản nhưng rất thiêng liêng. Phẩm vật ngày tết gồm một bộ hàng mã, cau trầu rượu, bánh mứt, xôi, thịt. Ngoài trời, bàn thờ đặt trên một khúc tre hay gỗ, cao khoảng 1,5m, dựng lộ thiên trên bến đỗ thuyền. Tập quán bắt buộc kiêng cữ đủ thứ từ chiều cuối năm. Người chủ gia đình sau khi cúng tất niên sẽ làm lễ bỏ nhánh nè (một nhánh tre) có nhiều gai sắc trước mũi chiếc đò để báo hiệu không cho phép khách lên đò. Lúc nào chọn được ngày tốt, giờ tốt mới cất nhánh nè đi, đón khách đến chơi tết. Nếu khách không mời mà đến, gia chủ phải đốt vía, dùng tóc rụng, gai bồ kết, gai cây bốm, lá chanh, muối sống xông trên lò than hồng...
Thú vị chuyện “kiêng” ngày tết
Đón tết, dân vạn đò mua rất nhiều hoa giấy Thanh Tiên, chưng trên bàn thờ gia tiên, ông Táo, ông Thiên, Hà Bá… Họ không chuộng hoa tươi bởi vì chóng héo trong môi trường nước mặn, nước lợ. Vả lại, con đò trên đầm phá luôn bập bềnh, dễ vỡ chậu hoa, bình hoa.
Đón giao thừa, mọi người lắng nghe đầu năm con vật nào kêu trước. Nghe tiếng gà gáy đầu tiên là năm đó được mùa, no ấm. Nghe tiếng chó sủa thì nhà sẽ đón khách khứa nhiều, gia cảnh vui vẻ. Nghe tiếng chim gù thì năm đó thất bát… Người đầm phá tin tiếng gáy con gà không bình thường (gáy giữa trưa, chiều) là điềm không lành. Để phòng trừ, người ta sẽ mổ thịt, cắt đầu con gà xấu số vứt xuống nước, coi như tống tiễn vật thay thế.
Sống trên đò chật hẹp, chỉ chăn nuôi được ít gà vịt nên dân vạn đò kiêng ăn thịt vịt suốt cả tháng giêng. Họ chỉ làm gà, thịt lợn thì mua ở chợ. Ngày tất niên họ bắt một con gà trống lớn nhất bầy, đem cúng sống trước bàn thờ. Sau đó cắt tiết rồi thả trong đò. Họ chú ý xem đầu của con gà chết quay về hướng nào, đoán định công việc trong năm mới. Nếu đầu gà quay về nơi thờ tổ tiên, hoặc buồng ngủ chủ nhà thì năm đó gia đình sẽ thu nhiều hơn chi, làm ăn phát đạt. Nếu con gà quay đầu ra sau (lái) chiếc đò, thì năm đó gặp nhiều khó khăn, làm ăn lủng củng. Nếu đầu con gà nằm ngang một trong hai bên mạn thuyền, công việc sẽ bình thường.
Chọn ngày tốt đầu năm, người ta mổ gà trống cúng thần linh và tổ tiên, sau đó lấy cặp giò gà đem coi bói rồi buộc cặp giò ấy treo lên trên bếp, năm sau lại thay mới. Họ tin rằng, điều đó mang lại cho trẻ con trong nhà sức khỏe tốt. Gà cúng luộc xong để nguyên con cùng phủ tạng. Khi phá cỗ, người ta để nguyên hai đùi gà, quan niệm không chặt chân gà để trong nhà nuôi được gia cầm. Đùi gà thường dành ưu tiên cho trẻ con. Theo tập tục của người đầm phá, cuối năm chọn gà cúng tốt nhất có bộ lông màu đỏ, vàng rực, không được cúng gà lông màu đen hay trắng, xám lẫn lộn…
Hiện nay, vùng đầm phá gồm 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Dân định cư dọc theo quốc lộ 49B, trải dài hơn 27km, trong đó còn 2% vẫn sống trên con đò bồng bềnh. Đến năm 2013, những hộ đò cuối cùng cũng lên bờ, nên các tập tục biểu trưng độc đáo cho tính cách chất phác, mộc mạc của người đầm phá dần dần nhạt phai.
|
Vũ Hào
Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2019