Tam giác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh – Lâm Đồng – Bình Thuận
Sau 2 năm triển khai, chương trình liên kết tam giác phát triển du lịch giữa ba địa phương TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu và nội dung thỏa thuận hợp tác, góp phần tạo sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển du lịch.
Theo báo cáo, từ tháng 6/2013 đến nay, Lâm Đồng thu hút thêm được 3 dự án du lịch từ các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký trên 600 tỷ đồng; 3 dự án du lịch từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động kinh doanh. Bình Thuận có 237 dự án du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đầu tư là 30.619,6 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2015, khoảng 60% doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh thường xuyên đưa khách đến tham quan, nối tuyến Lâm Đồng và Bình Thuận, do vậy, các tour kết nối TP. Hồ Chí Minh – Bình Thuận – Lâm Đồng đang được xem là một trong những tour nội địa khai thác hiệu quả kinh tế nhất hiện nay.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Ngô Minh Chính thay mặt ba địa phương cam kết thực hiện tour “Chợ Sài Gòn – hoa Đà Lạt – biển Mũi Né” thông qua xây dựng điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá dịch vụ; tham gia đầy đủ các sự kiện do từng địa phương tổ chức để quảng bá hình ảnh đặc trưng riêng cũng như liên kết để hấp dẫn du khách đến.
Ngành Du lịch ba địa phương đi đến thống nhất tiếp tục xây dựng hành trình “ba địa phương một điểm đến” và phát huy liên kết “Chợ Sài Gòn – hoa Đà Lạt – biển Mũi Né”. Các doanh nghiệp lữ hành của ba địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện nhiều tour liên kết ba địa phương thông qua các sản phẩm du lịch đa dạng mang nét đặc trưng, đặc biệt là các tour gắn liền với sự kiện văn hóa, xã hội để hình thành các tour du lịch đặc trưng liên kết 3 khu vực.

Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, để xây dựng hiệu quả hành trình “Ba địa phương - một điểm đến” và phát huy liên kết “Chợ Sài Gòn - hoa Đà Lạt - biển Mũi Né”, trong thời gian tới, ba địa phương cần quan tâm đến việc tạo sản phẩm du lịch mới đặc trưng để thu hút du khách; chia sẽ, phát huy thế mạnh của nhau để khắc phục những yếu tố còn hạn chế của địa phương mình. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo tăng cường công tác thanh kiểm tra, thực hiện tốt công tác quản lý điểm đến nhằm tạo hình ảnh về điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh, lịch sự, mến khách trong lòng du khách.
Nguyên Vũ