TTCI đánh giá các yếu tố và chính sách phát triển bền vững trong lĩnh vực Du lịch và lữ hành, từ đó đóng góp và sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia. TTCI đánh giá năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành của 141 nền kinh tế, hệ thống tính điểm bao gồm 4 chỉ tiêu chính, 14 mục và 90 chỉ tiêu riêng biệt. Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực Du lịch và Lữ hành của các quốc gia dựa trên 4 chỉ tiêu chính: Môi trường du lịch, Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.
Theo báo cáo này, top 10 quốc gia có chỉ số TTCI cao nhất năm 2015 là Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Australia, Italy, Nhật Bản và Canada. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh và đứng vị trí thứ 11 trong toàn bảng xếp hạng.
Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng, tăng 5 bậc so với năm 2013. Các chỉ tiêu được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 7, tính điểm các chỉ tiêu riêng biệt từ đó tính ra điểm các mục lớn và tổng hợp các mục lớn để phân tích điểm 4 chỉ tiêu chính.
Đối với Việt Nam, chỉ tiêu chính sách phát triển du lịch bị đánh giá thấp nhất, chỉ với 3,72 điểm, xếp hạng 112/141. Sự cởi mở với quốc tế đạt 2,68 điểm, giá cả cạnh tranh được đánh giá cao với 5,30 điểm (xếp hạng 22/141) và tính bền vững môi trường đạt 3,16 điểm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng khiến năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tụt hạng khi bị đánh giá với 2,93 điểm, xếp hạng 94/141 quốc gia. Cơ sở hạ tầng hàng không đạt 2,72 điểm, cơ sở hạ tầng mặt đất và bến cảng đạt 3,14 điểm, cơ sở hạ tầng du lịch chỉ đạt 2,95 điểm. Về chỉ tiêu môi trường du lịch (môi trường kinh doanh, an toàn an ninh, vệ sinh y tế, nguồn nhân lực lao động, công nghệ thông tin và truyền thông), Việt Nam đạt 4,56 điểm (xếp hạng 73/141) trong đó yếu tố về an toàn, an ninh được đánh giá cao nhất (5,31 điểm). Cuối cùng, tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên của Việt Nam được đánh giá cao nhất, là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam với 3,20 điểm (xếp hạng 33/141).
So sánh với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thể thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa thực sự so sánh được với tổng thể khu vực. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ngang bằng thậm chí là vượt hơn hẳn như sự an toàn, an ninh; giá cả cạnh tranh; tài nguyên du lịch thiên nhiên; nguồn nhân lực lao động. Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng hạng trong bảng đánh giá TTCI của WEF. Tuy nhiên, những yếu tố sẵn có cũng chưa thể nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, cần phải có những đổi mới cả về chính sách, cơ sở hạ tầng và môi trường du lịch trước khi những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không còn là duy nhất.
ThS. Nguyễn Hoàng Mai