Cuối năm 2015, theo lộ trình, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Để thúc đẩy sự hình thành của AEC, các quốc gia thành viên ASEAN chú trọng tự do hóa ba lĩnh vực lớn là: thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư, tài chính và lao động. Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch, đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của khu vực ASEAN.
Tại họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục Du lịch Trần Phú Cường đã trình bày khái quát về thực trạng nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam và tình hình triển khai MRA-TP. Theo đó, trong khu vực, sau khi hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là: lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành, ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA-TP. Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016.
Tham gia vào quá trình này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên như việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Công hàm gửi Tổng Thư ký ASEAN thông báo việc giao cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch (VTCB) thực hiện chức năng của 2 tổ chức Hội đồng ngành Du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch như yêu cầu của MRA-TP; tham gia xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn đào tạo và đánh giá lao động du lịch theo các tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung trong ASEAN; xây dựng và phát triển hệ thống các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia; tổ chức phổ biến thông tin, nội dung chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức về việc triển khai MRA-TP; hoàn thiện đề án Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực du lịch để phổ biến cho các đối tượng liên quan trong ngành Du lịch...
Hội thảo nâng cao nhận thức và phổ biến các vấn đề kỹ thuật liên quan đến triển khai MRA-TP do Tổng cục Du lịch tổ chức sáng ngày 22/10/2015 nhằm cập nhật tình hình triển khai MRA-TP trong khu vực cũng như tại Việt Nam; hướng dẫn một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện và sự tham gia của các chủ thể vào quá trình này. Bên cạnh đó, đây còn là một diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động sẻ chia những thông tin, kinh nghiệm, nhìn nhận cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình Việt Nam triển khai MRA-TP hướng tới hình thành AEC nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội cũng và vượt qua những khó khăn, thách thức.
Thông tin về Hệ thống Tiêu chuẩn nghề du lịch và giáo trình đào tạo nghề du lịch chung ASEAN, sách hướng dẫn triển khai MRA-TP có thể tải về từ trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch tại địa chỉ http://vietnamtourism.gov.vn.
|
Thanh Hiền