Tác động của thủy điện Sơn La đối với sự phát triển du lịch
Tác động của thủy điện Sơn La đối với sự phát triển du lịch
Thứ tư, 06/09/2006 | 16:09 GMT+7
Phát triển kinh tế Miền núi phía Bắc nói chung và của tỉnh Sơn La nói riêng là một vấn đề luôn được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Sơn La đang có cơ hội to lớn để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thương mại, du lịch nói riêng khi Nhà nước triển khai xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á ngay trên địa bàn Tỉnh.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa X đã nhất trí thông qua chủ trương xây dựng thủy điện Sơn La với 3 nhiệm vụ: cung cấp điện năng để phát triển kinh tế - xã hội phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Ngày 15/01/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thủy điện Sơn La với tổng mức đầu tư: 36.933 tỷ VNĐ; tiến độ thực hiện: khởi công công trình năm 2005, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012, hoàn thành dự án năm 2015.
Để chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng thuỷ điện Sơn La phải tổ chức di dân, tái định cư cho khoảng 18.500 hộ dân, 114.000 nhân khẩu với tổng kinh phí là 10.300 tỷ đồng.
Công trình thuỷ điện Sơn La có tác động, ảnh hưởng to lớn đối với quá trình phát triển của tỉnh Sơn La; đặc biệt, là thương mại - du lịch. Những tác động, ảnh hưởng đó phải được phân tích, dự báo một cách khoa học và khách quan, làm cơ sở giúp cho công tác quản lý về thương mại, du lịch.
Dự báo những tác động của Thuỷ điện Sơn La đối với sự phát triển Du lịch
• Những tác động, ảnh hưởng thuận chiều:
Một là, hình thành một số điểm du lịch mới hấp dẫn.
- Công trường thủy điện Sơn La là công trường thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, mặt bằng công trường rộng 2.070 ha có nhiều đồi núi đan xen. Tính hấp dẫn do đặc điểm và quy mô công trường sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
- Hồ thủy điện Sơn La được xây dựng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đi thuyền trên mặt hồ, thăm những khu rừng nguyên sinh với thảm động thực vật phong phú ở vùng lân cận.
- Các điểm tái định cư của người dân được xây dựng theo mô hình nông thôn mới nhưng giữ nguyên bản sắc văn hóa của các dân tộc, sẽ tạo ra các điểm du lịch văn hóa, làng nghề rất hấp dẫn.
Hai là, cơ sở hạ tầng du lịch của Tỉnh được đầu tư và nâng cấp.
Nhờ có thủy điện Sơn La, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ như: quốc lộ 6 (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biện); quốc lộ 43 (Hà Nội - Phú Thọ - Sơn La); quốc lộ 37 (Sơn La - Phù Yên - Yên Bái); quốc lộ 4G (Sơn La - Sông Mã - Điện Biên); quốc lộ 106 (Sơn La - thủy điện Sơn La - Yên Bái). Các tuyến tỉnh lộ, đường đến trung tâm các xã và cụm xã được nâng cấp. Đây là điều kiện thuận lợi để du khách lên Sơn La bằng đường bộ kết hợp ngắm phong cảnh núi rừng hùng vĩ miền Tây Bắc của Tổ quốc. Nhà nước sẽ đầu tư 2 cảng Tà Hộc (Mai Sơn), Tạ Bú (Mường La); đồng thời, mở tuyến đường thủy để vận chuyển thiết bị từ Hòa Bình lên thủy điện Sơn La. Đây là điều kiện để phát triển du lịch đường thủy, thăm phong cảnh hồ Hòa Bình và các chợ phiên trên sông. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang nâng cấp cảng sân bay Nà Sản, chất lượng tuyến hàng không Hà Nội - Nà Sản - Hà Nội sẽ được nâng lên. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để đón khách quốc tế lên thăm Sơn La.
Ngoài việc đầu tư công trình thủy điện Sơn La N, Nhà nước còn quan tâm đến đầu tư các khu đô thị mới của Tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống khách sạn nhà hàng tại các trung tâm đô thị lớn như: thị trấn công trường thủy điện, thị trấn huyện lỵ Mường la, thị xã Sơn La, thị trấn Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Phù Yên,...
Do tính hấp dẫn và ảnh hưởng của thủy điện Sơn La, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư tái tạo, khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của tỉnh. Hiện đã có các dự án lớn như: đầu tư khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mộc Châu, khu du lịch hồ Tiền Phong (Mai Sơn), khu du lịch Chiềng Ngần (thị xã), khu du lịch Ngọc Chiến (Mường La), ...
Để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động trên công trường thủy điện và lượng du khách đến tham quan, hoạt động đầu tư cho các loại hình dịch vụ cũng sẽ phát triển mạnh như: vận tải hành khách, phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc ... Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của Tỉnh.
Ba là, một bộ phận lao động kinh doanh du lịch trình độ cao sẽ được hút về Sơn La và khu công trường thuỷ điện. Do tác động của lượng khách đến tham quan công trình thuỷ điện Sơn La, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: khách sạn nhà hàng, các khu vui chơi giải trí,...Đồng thời, sẽ tuyển dụng và thu hút và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên du lịch từ nhiều nơi đến Sơn La. Hình thức và phương thức kinh doanh du lịch ngày càng được nâng cao.
Bốn là, hoạt động quản lý nhà nước về du lịch có sự thay đổi về chất. Để chuẩn bị cho việc phục vụ khởi công thủy điện Son La, các cấp các ngành của Tỉnh phải tập trung nhân tài vật lực cho ngành Thương mại - Du lịch để đảm bảo nhiệm vụ vừa cung cấp một phần cơ bản lương thực, thực phẩm cho lực lượng lao động trên công trường; vừa đảm bảo các điều kiện đón lượng khách đến tham quan thủy điện Sơn La cả trước, trong và sau khi khởi công xây dựng. Đồng thời, ngành Du lịch của Tỉnh sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch phát triển, có những giải pháp và chính sách phù hợp quy mô và độ phức tạp của đối tượng quản lý; số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ trong ngành có điều kiện nâng lên.
• Các tác động ngược chiều:
- Do có sự tăng đột biến về dân cư và khách du lịch nên sẽ xuất hiện các cơn sốt hàng hóa, tác động đến khả năng chi tiêu của người dân và du khách trên địa bàn.
- Gắn với công trường thủy điện là sự phát triển mạnh của du lịch, dịch vụ và đồng thời cũng làm cho các tệ nạn xã hội nảy sinh và phát triển. Nếu không quản lý tốt sẽ gây tác hại lâu dài về mặt xã hội.
- Do sức hút của thủy điện, lượng du khách nước ngoài đến Sơn La sẽ tăng lên. Vấn đề an ninh chính trị vùng biên giới Tây Bắc sẽ phức tạp thêm đòi hỏi phải tăng cường.
- Vấn đề vệ sinh môi trường, quản lý các tài nguyên du lịch như các di sản văn hóa vật thể, tài nguyên thiên nhiên sẽ nảy sinh nhiều khó khăn mới cho các cấp chính quyền địa phương,...
Một số giải pháp nhằm phát triển Du lịch Sơn La
Thứ nhất, phải cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế địa phương, đảm bảo cho mọi hoạt động du lịch đều phải được tiến hành đúng luật. Việc vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào các mục tiêu phát triển nhất định, tạo ra các mô hình để điều chỉnh các hoạt động một cách phù hợp, trên cơ sở khai thác các tiềm năng và thế mạnh của Tỉnh để phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững.
Thứ hai, phải tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế; trong đó có đổi mới tư duy về vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế; đây phải coi là biện pháp hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung và du lịch nói riêng.
Thứ ba, phải có những giải pháp phù hợp để tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch gắn với quá trình di dân tái định cư và xây dựng thủy điện Sơn La. Trước hết, phải làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch và quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, phải có cơ chế phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; làm tốt công tác thông tin, quảng bá về du lịch để thu hút khách và các nguồn lực; tiếp tục xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh về du lịch.
Thứ tư, đối với các đơn vị hoạt động du lịchphải có chiến lược kinh doanh, xác định các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour tuyến du lịch, đầu tư cơ sở lưu trú, các điểm du lịch với phương châm "lành mạnh, hiệu quả và bền vững".
Thứ năm, phải tăng cường công tác quốc phòng và an ninh trong toàn khu vực và trên địa bàn Tỉnh. Đặc biệt là công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực công trường thuỷ điện Sơn La. Thực hiện kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng và an ninh mọi cấp, mọi ngành và từng địa phương.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động du lịch trước yêu cầu mới. Nội dung và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động du lịch phải được đổi mới, phù hợp với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và phục vụ xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La. Cần xây dựng các chương trình chỉ đạo chuyên đề, hết sức coi trọng chỉ đạo xây dựng các tập thể chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh để lãnh đạo địa phương, đơn vị mình trở thành lực lượng tiên phong thực sự góp phần xây dựng công trình thủy điện Sơn La và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
THS. NGYUỄN MINH ĐỨC