Phùng Khắc Khoan - một tài năng, một nhân cách cao quý
Phùng Khắc Khoan - một tài năng, một nhân cách cao quý
Thứ tư, 06/09/2006 | 15:09 GMT+7
Phùng Khắc Khoan là người đã có công mang các giống ngô, đậu, khoai lang... về nước; dạy dân làng dệt the lượt, đóng cày bừa, khơi ngòi làm thủy lợi, tưới tiêu cho những đồng lúa quê hương. Ông cũng đã dành tâm trí, tài lực xây dựng nên “Nhật Tiên Kiều” và “Nguyệt Tiên Kiều”, làm cho thắng cảnh khu di tích chùa Thầy (Hà Tây) càng thêm mỹ lệ...
Phùng Khắc Khoan sinh ra trong một gia đình nhà nho thanh bạch ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Tương truyền, ông là em trai cùng mẹ khác cha với Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thuở nhỏ, Phùng Khắc Khoan đã thông minh học giỏi và là một học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng Khắc Khoan đỗ Hoàng Giáp năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ 3 (1580) đời Lê Hiến Tông. Ông là người có nhiều công lao trong việc đánh nhà Mạc và xây dựng vương triều Lê Trung Hưng. Đất nước hoà bình, năm Đinh Dậu (1597), trong lần được cử đi sứ sang Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan đã dùng trí thông minh, tài đối đáp ngoại giao của mình để đề cao vị thế quốc gia, hoàn tất sứ mệnh, khiến vua quan nhà Minh phải kính nể, phong cho học vị Trạng nguyên, ban mũ áo, cân đai về nước. Trong thời gian đi sứ, Phùng Khắc Khoan có dịp giao thiệp với nhiều sứ thần nước ngoài, gợi mở mối đồng cảm, thắt chặt tình giao hữu giữa nhân dân Đại Việt với nhân dân Triều Tiên và Nhật Bản.
Nghiên cứu trong dòng văn học viết ở thế kỷ 16 và 17, các nhà nghiên cứu văn học nước ta vẫn xem Phùng Khắc Khoan là tác giả lớn thứ hai, sau học giả, triết gia nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thơ ông phản ánh chí hướng của bậc đại sỹ phu, mô tả vẻ đẹp thiên nhiên và con người. Đáng chú ý trong sự nghiệp sáng tác của ông là những tác phẩm viết bằng chữ Nôm. Phùng Khắc Khoan đã sử dụng tiếng dân tộc để viết nên nhiều tác phẩm, đặc biệt là tập “Lâm tuyền vãn” gồm 185 câu lục bát cho đến nay vẫn còn được bảo lưu trong trí nhớ của nhiều cố lão làng Bùng. Qua những vần thơ giản dị, mộc mạc, ông đã miêu tả, giới thiệu công dụng và cách vun trồng các loại rau quả, trái cây quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người nông dân...
Những tác phẩm văn thơ của Phùng Khắc Khoan hiện còn lưu giữ tuy chưa đầy đủ nhưng cũng là một di sản quý ông để lại cho đời. Thơ ông không chỉ nói đến chí riêng của mình mà còn nói về đất nước, về cuộc đời, về con người thời đương đại; khẳng định niềm tin vào khả năng của con người có thể đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an... Tác giả Phan Huy Chú đã coi ông là con người “dọc ngang”, “chói lọi”. Còn Cao Bá Quát cho rằng: Phùng Khắc Khoan “tài cao trùm khắp cõi, chí kinh luận dồi dào”...
Phùng Khắc Khoan mất tại quê hương vào ngày 24/9/1613, hưởng thọ 86 tuổi. Hàng năm, từ trước ngày 24/9 các hội phường dệt, the lượt, phường cày bừa tổ chức đến nhà thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan (ở làng Bùng) để làm lễ dâng hương, tưởng nhớ công ơn ông tổ làng nghề. Con cháu trong nội tộc dòng họ, năm nào cũng làm giỗ trước đó một ngày. Ngày hôm sau, buổi sáng lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương, đoàn thể đến làm lễ dâng hương tưởng niệm. Buổi chiều tổ chức cho dân tế lễ theo nghi thức cổ truyền dân tộc. Đặc biệt, trong nghi lễ nhất thiết phải có canh đậu, quả cà dâng cúng...
Tháng 10/2004, xã Phùng Xá đã tổ chức trọng thể lễ đặt tượng và lư hương bằng đồng thờ danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan tại làng Bùng. Bức tượng bằng đồng cao 1,3 m, nặng hơn 400 kg và chiếc lư hương cũng bằng đồng nặng 280kg. Đây là một công trình văn hoá thế kỷ do nhân dân xã Phùng Xá và du khách thập phương dâng tặng nhân kỷ niệm 477 năm ngày sinh và 392 năm ngày giỗ danh nhân. /.
NGUYỄN DUY CÁCH