Ngày 15/3/2022 có thể được coi là cột mốc khi Chính phủ cho phép mở lại hoạt động du lịch quốc tế sau hơn 2 năm ngưng trệ hoàn toàn vì dịch bệnh. Đây là quyết sách chính xác và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước đã định hướng, mở đường cho ngành Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp khôi phục hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước.
Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế từ giữa tháng 3/2022 là sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, nhưng do hầu hết các thị trường khách quốc tế quan trọng nhất, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… chưa mở cửa hoàn toàn hay vẫn hạn chế công dân du lịch ra nước ngoài trong hầu hết cả năm 2022 nên dẫn tới lượng khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 2022. Mặt khác, do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài đã khiến thị trường khách quan trọng khác là Nga và khu vực Đông Âu hầu như không có; suy thoái kinh tế khiến nhu cầu đi du lịch ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu chưa thể khôi phục ngay; sự cạnh tranh gay gắt từ những điểm đến trong cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia với những chính sách thông thoáng về thị thực, ưu đãi, khuyến mại… càng khiến cho Du lịch Việt Nam gặp khó trong thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó cũng phải nhắc tới những điểm nghẽn nội tại: kết nối hàng không trực tiếp tới các thị trường khách; sự thông thoáng và tiện lợi về thị thực nhập cảnh; hệ thống sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa theo kịp với nhu cầu thay đổi của khách quốc tế; hạn chế về nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá; sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch và các ngành, lĩnh vực liên quan; công tác nghiên cứu thị trường trước sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu du lịch…
Đứng trước những thách thức này, ngành Du lịch, các địa phương cùng hệ thống doanh nghiệp du lịch đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn như Diễn đàn lữ hành toàn quốc “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam”; Hội thảo “Ấn tượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức hè 2022”; Diễn đàn Du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”; Diễn đàn “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, Hành động mới”… nhằm thảo luận, đề xuất và triển khai thực hiện những sáng kiến, giải pháp từng bước khôi phục thị trường khách quốc tế. Song song với đó, Du lịch Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện du lịch quốc tế lớnđể quảng bá thông điệp “Live Fully in Vietnam – Trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam” tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế ITB châu Á (ASIA) 2022 Singapore, Diễn đàn Du lịch Mekong 2022, Lễ hội Du lịch - Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc, Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế WTM London 2022… Sau khi mở cửa du lịch quốc tế, ngành Du lịch của nhiều địa phương đã chủ động tổ chức sự kiện chào đón khách quốc tế, đón tiếp các đoàn khảo sát sản phẩm, báo chí nước ngoài, tổ chức ký kết hợp tác, sự kiện mở đường bay… Bên cạnh đó, với việc một số thị trường truyền thống chưa cho phép công dân du lịch ra nước ngoài, Du lịch Việt Nam đã linh hoạt chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông. Trong năm 2022, nhiều đường bay thẳng kết nối từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đến các thành phố của Ấn Độ đã được khai trương; một số tỉnh, thành như Khánh Hòa, Đà Nẵng đã chủ động tổ chức quảng bá tại các thành phố của Ấn Độ; ngành Du lịch tham gia Diễn đàn xúc tiến du lịch tại Ấn Độ trong khuôn khổ “Ngày Việt Nam tại Ấn Độ năm 2022”; tham gia Hội nghị quốc tế về hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Đông… Những hoạt động nêu trên là nỗ lực của Du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong giai đoạn tới.
Trái ngược với du lịch quốc tế, hoạt động du lịch nội địa đã sôi động ngay từ những ngày đầu năm 2022. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách nhưng kết quả năm 2022 đã đạt hơn 101 triệu lượt khách, tăng 68,8% so với chỉ tiêu và tăng 19% so với mức kỷ lục 85 triệu lượt khách đã đạt được vào năm 2019. Sự tăng trưởng vượt bậc của lượng khách du lịch nội địa không chỉ góp phần quan trọng vào tổng thu từ khách du lịch trong năm 2022 ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2021 mà còn thể hiện sức bật mạnh mẽ, tiềm năng và dư địa phát triển của du lịch nội địa. Năm 2022, nhiều địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện du lịch quy mô lớn ngay từ đầu năm nhằm thu hút du khách du lịch, như Lễ hội Hoa hồng (Lào Cai); VITM Hà Nội 2022, Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); Lễ hội “Tận hưởng Mùa hè Đà Nẵng 2022”, Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh), Festival Huế (Thừa Thiên Huế), ITE TP. Hồ Chí Minh 2022, Tuần Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2022, VITM Đà Nẵng 2022, Festival Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng)… Những sự kiện này đã tạo ra điểm nhấn để hoạt động du lịch diễn ra sôi động trở lại, đặc biệt là tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021; TP. Hồ Chí Minh đạt 28,5 triệu lượt khách; Lào Cai đạt 4,4 triệu lượt, tăng gần 220% so với năm 2021; Quảng Nam đạt 4,7 triệu lượt, tăng 13 lần so với năm 2021; Lâm Đồng đạt 7 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với năm 2021; Bình Thuận đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách tăng 2,58 lần so với năm 2021… Có thể khẳng định, với hơn 100 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 đã phản ánh rõ nét những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở nước ta, thể hiện sự thích ứng linh hoạt cùng những nỗ lực của ngành Du lịch triển khai những hành động kịp thời nhằm phục hồi du lịch ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt.
Trong năm 2022 cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú, lực lượng quan trọng nhất của ngành Du lịch. Nếu như năm 2021 cả nước còn 2.111 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, gần 1.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa thì đến hết năm 2022 đã tăng lên 2.948 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 1.302 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Trong năm 2022, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp cũng tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng: 12 cơ sở hạng 5 sao và 24 cơ sở 4 sao được công nhận mới; xuất hiện thêm nhiều thương hiệu nổi tiếng như Ville De Mont Mountain (Sapa, Lào Cai), Vedana Resort (Ninh Bình), Mikazuki (Đà Nẵng), Radisson Resort Phan Thiết (Bình Thuận), Holiday Inn Resort Ho Tram Beach (Bà Rịa – Vũng Tàu), Capella Hanoi (Hà Nội), Regent Phu Quoc, Sailling Club Signature Phu Quoc (Phú Quốc)… Đến hết năm 2022, ngành Du lịch đã có 35.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 700.000 buồng, trong đó có 221 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao và 340 cơ sở lưu trú hạng 4 sao, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng đa dạng của du khách trong và ngoài nước. Hệ thống doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo thêm nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong và ngoài nước. Nhận thức về vai trò động lực của ngành Du lịch đã được các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến nâng cao hơn ngay từ khi mở cửa trở lại, từ đó đã hình thành mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nhà cung ứng dịch vụ để tạo ra các chương trình khuyến mãi, sản phẩm du lịch mới với chất lượng và giá cả hấp dẫn, kích thích nhu cầu du lịch.
Trong năm 2022, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch ở Trung ương, Tổng cục Du lịch đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều văn bản pháp lý quan trọng, tạo hành lang phát triển Ngành cho giai đoạn tới, cụ thể gồm: Nghị định số 30/2022/NĐ-CP về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án: “Xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch”; Đề án “Xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý lĩnh vực lưu trú du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” và Báo cáo kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm...
Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức tăng trưởng các chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam cao thứ 3 thế giới, trong đó có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu toàn cầu. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tự tin du lịch qua Chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) của Booking. com. Theo dữ liệu của Google Destination Insights, lượng tìm kiếm về Du lịch Việt Nam từ các thị trường Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh… thuộc nhóm tăng cao nhất trên thế giới. Du lịch Việt Nam tiếp tục nhận được 16 giải thưởng trong hệ thống Giải thưởng World Travel Awards năm 2022... Sự công nhận của quốc tế không chỉ là niềm tự hào khi hình ảnh Việt Nam an toàn được truyền tải rộng khắp, góp phần mời gọi du khách quốc tế trở lại trải nghiệm một Việt Nam đầy sức sống với thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa đầy bản sắc mà còn là cơ sở vững chắc để chúng ta tin vào một năm khởi sắc trước mắt.
Theo dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia du lịch quốc tế, lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tăng 30% vào năm 2023, sau khi đạt khoảng 900 triệu lượt vào năm 2022 nhưng vẫn ở dưới mức đã đạt được vào năm 2019. Nguyên nhân chính là do tình trạng suy thoái kinh tế thế giới, cuộc xung đột Nga – Ucraina chưa có dấu hiệu dừng lại và chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc sẽ làm chậm quá trình phục hồi du lịch trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác, nhiều dự báo cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 khi các nền kinh tế lâm vào suy thoái, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm, nguy cơ xung đột địa chính trị, những bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… sẽ trở thành những thách thức lớn đối với Du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 khẳng định quan điểm “phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại”. Quan điểm này sẽ được thể hiện thành các nhiệm vụ cụ thể trong các văn bản quan trọng của Ngành ban hành trong năm 2023, gồm: Quy hoạch hệ thống phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Marketing Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Với trọng tâm chuyển chiến lược phát triển sang chất lượng, các địa phương và doanh nghiệp ngành Du lịch cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch di sản, đồng thời phát triển đa dạng hệ thống sản phẩm thuộc các loại hình du lịch ẩm thực, MICE, golf, thể thao, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… để đón đầu xu hướng mới của du lịch thế giới. Trong đó, ngành Du lịch sẽ hỗ trợ các địaphương phát triển “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch độc đáo” để thu hút khách du lịch, tạo sự cân bằng ở tất cả các điểm đến trên cả nước. Năm 2022 đã chứng minh quá trình phục hồi và thành công của toàn Ngành là kết quả của sự tham gia chủ động, nỗ lực của các địa phương, điểm đến và của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, việc thúc đẩy hình thành nhiều hơn những mô hình liên kết phát triển du lịch thông qua Quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng cùng với sự tham gia của đa dạng các thành phần, tạo nguồn lực triển khai các chương trình, hoạt động liên kết cụ thể cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2023.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tăng cường quy mô và chất lượng xúc tiến tại các sự kiện du lịch lớn trong khu vực và quốc tế như tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2023) tại Indonesia, Hội chợ du lịch ITB Berlin (Đức), Hội chợ Du lịch WTM London (Anh), các chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại thị trường ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu… Ngành Du lịch cũng sẽ tiếp tục đề xuất tháo gỡ những bất cập trong thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật phục vụ du khách, năng lực phục vụ tại các sân bay quốc tế, nội địa; mở rộng chính sách visa, thông thoáng về thủ tục, áp dụng visa điện tử, tạo thuận lợi đi lại với chính sách hỗ trợ kết nối hàng không quốc tế; chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa gắn với du lịch; khuyến khích hợp tác công-tư trong đầu tư và vận hành sân bay, đường cao tốc, bến cảng du lịch, công viên chủ đề, công trình văn hóa tầm cỡ nhằm hình thành các vùng động lực phát triển du lịch...
Chắc chắn với sự quyết tâm, đồng lòng cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, ngành Du lịch sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, phát huy hiệu quả tiềm năng của đất nước và qua đó góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, thay mặt Tổng cục Du lịch, tôi xin chúc ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục có những đột phá mới, dần từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
TS. NGUYỄN TRÙNG KHÁNH
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH