Dân tộc Chăm ở Ninh Thuận hiện có gần 68.000 người. Ka Tê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm. Có điều hấp dẫn là giữa lòng cuộc sống hiện đại, vẫn có những phong tục xưa cổ kính xen kẽ hài hòa. |
Lễ hội Katê tổ chức tại nhà hoàng tộc Chăm, cùng lúc diễn ra nghi lễ trên tháp Chăm ở thị xã Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). Sau đó, người dân mới được khai lễ tại nhà riêng. Trước đó một ngày, tại tháp Posahninư ở TP. Phan Thiết, hàng ngàn đồng bào Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc đã tái hiện một nghi lễ Katê cổ “lễ rước y phục” của vua chúa Chăm, mà xưa kia hoàng tộc đã giao cho người Raglai ở một số vùng bảo quản. Dân làng Hữu Đức (Phan Rang) lên vùng núi Phước Hà đón nhận mang xuống. Ở tháp Pô Nưgar (Phú Lạc- Tuy Phong) người Raglai ở Phan Dũng, Phan Điền trực tiếp mang đến đền tháp. Còn ở đền Pô Klông Garai thì do bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ bảo quản từ thời Pháp mang về.
Trình diễn vũ điệu truyền thống
Dòng người trảy hội đi rước y phục của các vị vua từ “danok” - nơi cất giữ đồ lễ. Các thầy lễ dẫn đầu, mặc bộ áo choàng màu trắng, đầu chít khăn trắng. Họ mang theo những bảo vật của hoàng tộc Chăm như vương miện, y phục mà họ cất giữ về nơi tháp cổ để dâng lên các thần. Các bộ lễ phục được đặt trên kiệu, che lọng hai bên. Đoàn thiếu nữ mặc áo dài xanh, trong tiếng nhạc rộn ràng vui vẻ, vừa đi vừa múa quạt. Khi về đến các đền tháp, các thầy lễ làm lễ mở cửa tháp. Để được phép vào tháp, các thầy phải xin thần Siva - thần Hủy diệt và Tái tạo, cho phép mở cửa; lễ vật gồm rượu, trầu cau, nước pha trầm tắm tượng.
Theo quan niệm của người Chăm, đền tháp là nơi trú ngụ của thần linh. Khu vực tháp cổ là trung tâm lịch sử - văn hóa. Vì vậy, lễ Ka Tê Ninh Thuận chính thức được tổ chức tại tháp Pô Klông Garai (Tháp Chàm). Những lễ vật dâng cúng gồm rượu, trầu cau, nước ngọt, thịt lợn, dê, cá và gà. Đặc biệt phải có bánh tét (âm), bánh gan tay (dương), bánh gừng...
Sau phần lễ nghi, trong tiếng trống Ginăng, Paranưng dồn dập, và tiếng kèn Saranai ngọt ngào, các thiếu nữ Chăm mặc y phục rực rỡ, uyển chuyển trong điệu múa truyền thống. Tại đây, ông thầy (ông Kadhar Gru) vừa kéo đàn Kanhi, vừa hát bài ngợi ca công đức của các nhà vua và các vị anh hùng. Lễ thỉnh y phục kéo dài cho đến khuya mới chấm dứt…
Phúc Vũ