Bờ biển dài với sự đa dạng về các hệ sinh thái đã đem lại cho Việt Nam tiềm năng to lớn để phát triển nền kinh tế giàu mạnh dựa vào biển, đặc biệt là khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Duy trì môi trường biển lành mạnh là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững những ngành này. Bảo tồn biển và phát triển kinh tế là hai vấn đề phụ thuộc và tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề về môi trường và các hệ sinh thái biển do các hoạt động của chính con người gây ra.
Khu bảo tồn biển được chứng minh là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Ở Việt Nam, mạng lưới gồm 16 khu bảo tồn biển đã được chính phủ phê duyệt năm 2011.
Biển Hòn Mun. Ảnh: ST
Dự án thí điểm xây dựng khu bảo tồn biển Hòn Mun được Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN thực hiện từ năm 2001 – 2005 với sự tài trợ của quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), IUCN và chính phủ Việt Nam. Từ năm 2003 - 2006 với sự hỗ trợ của chính phủ và DANIDA, thông qua dự án Hỗ trợ mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam, mạng lưới đã được tăng cường với việc xây dựng thêm khu bảo tồn biển thứ hai và thứ ba là cù lao Chàm và Phú Quốc.
Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (LMPA) thuộc chương trình hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường (DEC) là dự án tiếp nối hai dự án đã nói trên. Một trong những mục tiêu chính của Hợp phần LMPA là phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới các khu bảo tồn biển dựa trên một khung pháp lý vững chắc và một hệ thống quản lý hiện quả ở địa phương. LMPA xây dựng trên nền tảng của 3 năm phát triển năng lực của dự án “Hỗ trợ mạng lưới khu bảo tồn biển” và dựa trên nhiều hoạt động phát triển năng lực quản lý khu bảo tồn biển địa phương với sự hỗ trợ của Cơ quan Khí quyển và hải dương Hoa Kỳ (NOAA) và các tổ chức phi chính phủ khác.
Tuy nhiên, phát triển năng lực vẫn là nhu cầu cấp bách của tất các cấp trong mạng lưới các khu bảo tồn biển, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh và địa phương có khu bảo tồn biển, từ các nhà hoạch định chính sách đến cộng đồng ngư dân. Nâng cao năng lực vẫn cần được triển khai vì kiến thức hỗ trợ cho việc quản lý các khu bảo tồn biển đang ngày một phát triển nhanh chóng.
Biển Phú Quốc. Ảnh: ST
Tháng 12/2006, NOAA đã hỗ trợ xây dựng tài liệu tập huấn về du lịch bền vững và đã được sử dụng thí điểm trong các lớp tập huấn về du lịch bền vững ở các khu bảo tồn biển, cho các cán bộ khu bảo tồn biển và các ngành liên quan.
Bộ tài liệu tập huấn về du lịch bền vững được thiết kế do NOAA thiết kế theo nhu cầu quản lý tại vùng biển của các nước Đông Nam Á. Tài liệu này đã được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình của Việt Nam thông qua những bài học kinh nghiệm rút ra từ các nghiên cứu khoa học cũng như quá trình tổ chức quản lý du lịch bền vững ở các khu bảo tồn biển đã được xây dựng. Tài liệu gồm có 6 học phần. Trong mỗi học phần có tài liệu tập huấn, bài tập và các bài đọc thêm, một số trường hợp nghiên cứu điển hình được sử dụng để minh họa cho các điểm quan trọng và mở rộng nếu có thể. Các ví dụ tại địa phương hoặc trong vùng cũng được đưa vào sử dụng trong tài liệu.
Một góc khu bảo tồn biển Cù lao Chàm. Ảnh: Nguyễn Sơn
Mục đích chính của cuốn sách này là cung cấp cho các nhà quản lý các khu bảo tồn biển cũng như các nhà quản lý du lịch ở các tỉnh những kiến thức cơ bản để hoạt động du lịch hướng tới bền vững hơn, đặc biệt là các hoạt động du lịch được tổ chức trong các khu bảo tồn biển.
Tài liệu sẽ được xuất bản thành sách trong quý IV năm 2011.
Các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể đề xuất xin tài liệu tại: Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Địa chỉ: số 10 - Nguyễn Công Hoan, Hà Nội
Điện thoại: 04. 3.7714685 |
Duyên Hồng